Pháp lệnh người tàn tật năm 1998

Số hiệu 06/1998/PL-UBTVQH10
Ngày ban hành 30/07/1998
Ngày có hiệu lực 01/11/1998
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1998

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 06/1998/PL-UBTVQH10 NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 1998 VỀ NGƯỜI TÀN TẬT

Bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho người tàn tật hoà nhập cộng đồng là những hoạt động có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta;
Căn cứ vào Điều 59, Điều 67 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1998;
Pháp lệnh này quy định trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với người tàn tật; quyền và nghĩa vụ của người tàn tật.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Người tàn tật theo quy định của Pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn.

Điều 2

Người tàn tật là thương binh, bệnh binh được quy định tại Điều 12 và Điều 13 của "Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng" được Nhà nước và xã hội tôn vinh, ngoài việc được hưởng chế độ ưu đãi riêng của Nhà nước theo pháp luật, còn được hưởng những quyền lợi trong Pháp lệnh này mà chế độ ưu đãi riêng chưa quy định.

Điều 3

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội.

2. Người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật .

Trẻ em tàn tật, người tàn tật do hậu quả của chất độc da cam (dioxin) trong chiến tranh được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm bảo vệ, chăm sóc.

3. Người tàn tật có trách nhiệm khắc phục khó khăn để hoà nhập cộng đồng, tuân thủ pháp luật, trật tự công cộng và tôn trọng đạo đức xã hội.

Điều 4

1. Cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình, người giám hộ của người tàn tật có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật phục hồi chức năng, học tập, lao động và tham gia sinh hoạt xã hội.

2. Người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng tại nơi cư trú hoặc tại các cơ sở xã hội của Nhà nước, của các tổ chức xã hội.

3. Người tàn tật nặng tuy có người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc thì được hưởng trợ cấp xã hội.

Điều 5

1. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách và vận động xã hội để trợ giúp người tàn tật trong việc khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, học văn hoá, học nghề, tạo việc làm, tự ổn định đời sống.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện trợ giúp người tàn tật với các hình thức phù hợp.

Điều 6

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm thực hiện các chương trình và biện pháp phòng ngừa tàn tật; phòng chống các loại thảm hoạ và hạn chế nguy cơ phát sinh tàn tật.

Điều 7

1. Người tàn tật được thành lập, gia nhập, hoạt động trong các tổ chức xã hội, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được thành lập, gia nhập các tổ chức bảo trợ người tàn tật theo quy định của pháp luật.

Điều 8

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác có trách nhiệm vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật; tham gia vào việc tổ chức chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho người tàn tật, nhất là đối với trẻ em tàn tật; giám sát việc thi hành pháp luật đối với người tàn tật và kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước hữu quan về việc bảo vệ, chăm sóc người tàn tật.

[...]