Thông tư 13/2000/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 55/1999/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về người tàn tật do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 13/2000/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 12/05/2000
Ngày có hiệu lực 27/05/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2000/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 13/2000/TT-BLĐTBXH NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/1999/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH VỀ NGƯỜI TÀN TẬT

Căn cứ Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định này như sau:

I. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP XÃ HỘI

1. Người tàn tật nặng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại Điều 6, Nghị định 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ, phải có đủ 3 điều kiện sau:

a/ Không còn khả năng lao động.

b/ Không có nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống. Trong trường hợp có thu nhập nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mực do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố áp dụng cho từng thời kỳ.

c/ Không còn người thân thích để nuôi dưỡng như cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi hợp pháp; vợ, chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp.

Trong trường hợp người tàn tật có đủ điều kiện quy định tại điểm a và b nhưng còn người thân thích theo quy định tại điểm c nêu trên, nhưng người thân thích dưới 16 hoặc từ 60 tuổi trở lên, gia đình thuộc diện nghèo cũng xem xét hưởng trợ cấp xã hội.

2. Mức trợ cấp xã hội thường xuyên đối với người tàn tật nặng quy định tại Điều 6 của Nghị định nêu trên được xác định là mức tối thiểu. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, song không được thấp hơn mức quy định:

- Trợ cấp xã hội thường xuyên cho đối tượng sống tại gia đình do xã, phường quản lý bằng 45.000đ/người/tháng;

- Trợ cấp nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở Bảo trợ xã hội của Nhà nước bằng 100.000đ/người/tháng; đối với người tâm thần mãn tính được nuôi dưỡng tập trung thì hưởng 115.000đ/người/tháng;

3. Người tàn tật nặng muốn được hưởng trợ cấp xã hội thì bản thân hoặc người thân thích phải làm đơn trình bày rõ hoàn cảnh gia đình, đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Người tàn tật nặng, không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa, thuộc diện đặc biệt khó khăn, muốn được nuôi dưỡng tại cơ sở Bảo trợ xã hội của Nhà nước thì bản thân hoặc người thân thích phải làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định (theo Mẫu số 01 hoặc 02).

II. CHẾ ĐỘ TRỢ GIÚP TRONG KHÁM, CHỮA BỆNH

Việc khám, chữa bệnh miễn phí đối với người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa, người tâm thần phân liệt và người tàn tật nghèo theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/TT-LT BLĐTBXH-BYT-BTC ngày 29/01/1999 của Liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1994 của Chính phủ.

III. CHẾ ĐỘ TRỢ GIÚP TRONG HỌC TẬP

Việc miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp khác, xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội theo quy định tại Điều 10 Nghị định 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ được thực hiện theo Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập, Thông tư liên tịch số 53/1998/TT-LT BGD&ĐT, BTC, BLĐ-TB&XH ngày 25/8/1998 hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

+ Lập danh sách những người tàn tật theo quy định tại điểm 1 phần I của Thông tư này thông qua Hội đồng xét duyệt cấp xã đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, đối với người tàn tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì đề nghị đưa vào cơ sở Bảo trợ xã hội.

+ Thành lập Hội đồng xét duyệt gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng gồm đại diện: Mặt trận Tổ quốc, một số ban, ngành và cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội là Uỷ viên thường trực. Hội đồng xét duyệt phải có kết luận bằng biên bản (theo Mẫu số 03).

Sau khi được Hội đồng xét duyệt thông qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có công văn đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định. Kèm theo công văn phải có biên bản của Hội đồng xét duyệt, danh sách trích ngang những người đề nghị trợ cấp và hồ sơ của người tàn tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

+ Lập sổ quản lý và thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho người tàn tật ở địa phương.

+ Thực hiện việc tiếp nhận đối tượng từ cơ sở Bảo trợ xã hội trở lại phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm:

+ Tổng hợp danh sách người tàn tật nặng do Uỷ ban nhân dân cấp xã đề nghị hưởng trợ cấp xã hội; căn cứ khả năng nguồn kinh phí trợ cấp của huyện và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định trợ cấp tại cộng đồng (theo Mẫu 04 và 05).

+ Đối với người tàn tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do cấp xã đề nghị đưa vào cơ sở Bảo trợ xã hội thì phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định (theo Mẫu số 06).

[...]