Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 132/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Động viên công nghiệp

Số hiệu 132/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 04/06/2004
Ngày có hiệu lực 02/07/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 132/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 132/2004/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Động viên công nghiệp ngày 25 tháng 2 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Doanh nghiệp công nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hoá chất và điện tử.

2. Động viên công nghiệp không áp dụng đối với doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm:

a) Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp liên danh, doanh nghiệp cổ phần (doanh nghiệp do một bên hoặc nhiều bên là Việt Nam và một bên hoặc nhiều bên là nước ngoài hợp tác thành lập tại Việt Nam);

b) Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 2.

1. Động viên công nghiệp phải được tiến hành trên cơ sở năng lực sản xuất, sửa chữa đã có của các doanh nghiệp công nghiệp, Nhà nước chỉ đầu tư thêm trang thiết bị chuyên dùng để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị cho quân đội.

2. Việc lựa chọn, giao nhiệm vụ động viên công nghiệp cho các doanh nghiệp công nghiệp phải bảo đảm tính đồng bộ theo nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang bị của quân đội và phù hợp với năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp.

3. Giá thanh toán sản phẩm động viên công nghiệp được tính đúng, tính đủ trên cơ sở định mức, khung giá của Nhà nước tại thời điểm thanh toán, bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động.

Điều 3.

1. Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi là Tổng công ty) phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý số lượng, chất lượng trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp thuộc quyền.

2. Doanh nghiệp công nghiệp được Nhà nước giao các trang thiết bị có trách nhiệm:

a) Mở sổ và ghi sổ theo dõi chính xác, phản ánh kịp thời, trung thực tình hình sử dụng và biến động của trang thiết bị được giao;

b) Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng các trang thiết bị được giao;

c) Định kỳ và khi kết thúc năm, phải tiến hành kiểm kê để xác định chính xác số lượng, chất lượng trang thiết bị được giao, kết quả kiểm kê được báo cáo về Bộ Quốc phòng và cơ quan quản lý cấp trên.

Điều 4.

1. Khi có nhu cầu khai thác công dụng của trang thiết bị do Nhà nước giao để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị ngoài kế hoạch động viên công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp của mình và làm văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày (ngày làm việc), kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải có văn bản trả lời ý kiến đề nghị của doanh nghiệp.

2. Khi được phép khai thác công dụng trang thiết bị ngoài kế hoạch động viên công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp chỉ khai thác trong thời hạn cho phép và thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo chế độ quy định. Số tiền trích khấu hao tài sản do Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp phải sử dụng để tái đầu tư phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị, bảo đảm duy trì tính năng kỹ thuật, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị.

Điều 5.

1. Trong quá trình thực hiện sản xuất, sửa chữa trang bị cho quân đội, doanh nghiệp công nghiệp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, đầy đủ số lượng sản phẩm do doanh nghiệp thực hiện.

2. Nghiêm cấm doanh nghiệp công nghiệp sử dụng sản phẩm động viên công nghiệp vào mục đích kinh doanh, tặng, cho, cho thuê, cầm cố, nhượng bán.

[...]