Thông tư liên tịch 172/2005/TTLT/BQP-BTC Thực hiện Nghị định 132/2004/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành

Số hiệu 172/2005/TTLT/BQP-BTC
Ngày ban hành 18/10/2005
Ngày có hiệu lực 24/11/2005
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Được,Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH- BỘ CÔNG AN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:172/2005/TTLT/BQP-BTC

        Hà Nội, ngày 18  tháng 10  năm 2005

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 132/2004/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Thi hành Nghị định số 132/2004/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp; sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, liên Bộ Quốc phòng - Tài chính thống nhất hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định như sau:

I. GIÁ THANH TOÁN SẢN PHẨM ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

1. Đối tượng áp dụng: các doanh nghiệp công nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất, sửa chữa trang bị để duy trì năng lực của dây chuyền, huấn luyện, diễn tập động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp.

2. Giá thanh toán sản phẩm động viên công nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý trên cơ sở định mức, khung giá của Nhà nước và Bộ Quốc phòng tại thời điểm thanh toán, bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động.

Việc xác định giá thanh toán sản phẩm động viên công nghiệp được thực hiện theo quy định của Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Doanh nghiệp công nghiệp lập phương án giá cho từng loại sản phẩm theo nhiệm vụ được giao trình Bộ Quốc phòng phê duyệt.

II. QUẢN LÝ TÀI LIỆU CÔNG NGHỆ ĐÃ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO VÀ CÁC TRANG THIẾT BỊ DO NHÀ NƯỚC GIAO CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP ĐỂ HOÀN CHỈNH DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT, SỬA CHỮA TRANG BỊ.

1. Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài liệu công nghệ đã được chuyển giao và các trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị (sau đây gọi chung là tài liệu công nghệ và trang thiết bị do Nhà nước giao).

2. Các doanh nghiệp công nghiệp có trách nhiệm quản lý tài liệu công nghệ và các trang thiết bị do Nhà nước giao theo quy định quản lý, sử dụng tài sản cố định tại Mục II Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp, trong thời gian cất giữa, bảo quản và khi thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch động viên công nghiệp không phải trích khấu hao, nhưng được tính mức hao mòn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Mục III Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Trong quá trình quản lý, sử dụng tài liệu công nghệ và các trang thiết bị do Nhà nước giao mà bị hỏng, bị mất, bị tiêu hủy, doanh nghiệp công nghiệp phải lập biên bản, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý theo quy định để bảo đảm khả năng sẵn sàng sản xuất, sửa chữa trang bị; nội dung biên bản được thực hiện theo quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

III. TRÍCH KHẤU HAO VÀ SỬ DỤNG TIỀN TRÍCH KHẤU HAO TRANG THIẾT BỊ DO NHÀ NƯỚC GIAO KHI KHAI THÁC CÔNG DỤNG NGOÀI KẾ HOẠCH ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP.

1. Trong thời gian được phép khai thác công dụng các trang thiết bị do Nhà nước giao ngoài kế hoạch động viên công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp phải tính và trích khấu hao trang thiết bị theo quy định tại Mục III Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Doanh nghiệp công nghiệp có trách nhiệm sử dụng tiền trích khấu hao trang thiết bị này để tái đầu tư phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị trong và ngay sau khi kết thúc thời gian khai thác để bảo đảm duy trì tính năng kỹ thuật, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị.

3. Doanh nghiệp công nghiệp phải ghi sổ theo dõi số trích khấu hao và sử dụng tiền trích khấu hao các trang thiết bị; định kỳ hàng năm lập văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) của doanh nghiệp và Bộ Quốc phòng.

IV. XÁC ĐỊNH BỒI THƯỜNG CÁC TỔN THẤT ĐỐI VỚI TÀI LIỆU CÔNG NGHỆ ĐÃ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO VÀ TRANG THIẾT BỊ DO NHÀ NƯỚC GIAO KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH THU HỒI.

1. Khi thực hiện quyết định thu hồi tài liệu công nghệ và trang thiết bị do Nhà nước giao, nếu có tổn thất (bị hỏng, bị mất, bị tiêu hủy) thì doanh nghiệp công nghiệp hoặc cá nhân có liên quan phải bồi thường theo nguyên tắc:

a. Đối với tài liệu công nghệ khi bị tổn thất phải bồi thường đủ chi phí cho việc xây dựng hoặc khôi phục lại đầy đủ các nội dung của tài liệu công nghệ tương đương lúc doanh nghiệp công nghiệp tiếp nhận;

b. Đối với trang thiết bị khi bị tổn thất phải bồi thường đủ chi phí cho việc mua sắm, chế tạo hoặc sửa chữa khôi phục lại tính đồng bộ của trang thiết bị tương đương trước thời điểm xảy ra tổn thất.

2. Căn cứ xác định mức bồi thường.

a. Căn cứ vào biên bản thu hồi hoặc tiếp nhận chuyển giao tài liệu công nghệ và trang thiết bị do Nhà nước giao;

b. Căn cứ vào biên bản bàn giao tài liệu công nghệ và trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp;

c. Căn cứ vào hồ sơ kế toán của trang thiết bị: nguyên giá, giá trị còn lại;

d. Căn cứ vào biên bản xác nhận tài liệu công nghệ và trang thiết bị bị mất, bị tiêu hủy.

3. Phương pháp xác định mức bồi thường.

a. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chuyển giao tài liệu công nghệ và ủy quyền tổ chức nghiệm thu dây chuyền công nghệ sản xuất, sửa chữa trang bị phải thành lập Hội đồng xác định mức bồi thường. Thành phần của Hội đồng gồm đại diện của cơ quan kỹ thuật, cơ quan tài chính, đại diện của doanh nghiệp công nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc bồi thường (nếu có) do Thủ trưởng cơ quan chức năng thành lập Hội đồng làm Chủ tịch Hội đồng.

[...]