Nghị định 07/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước

Số hiệu 07/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 13/02/1999
Ngày có hiệu lực 28/02/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/1999/NĐ-CP

Ha Nội, ngày 13 tháng 2 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 07/1999/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 02 NĂM 1999 BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 60/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20 tháng 8 năm 1998 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.

Quy chế này được thực hiện trong doanh nghiệp nhà nước theo Điều 1, Điều 2 của Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Hội đồng quản trị, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13tháng 02 năm 1999 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích:

1. Cụ thể hóa phương châm ''dân biết, dân làm, dân kiểm tra'', phát huy quyền dân chủ thông qua tổ chức công đoàn và dân chủ trực tiếp của người lao động, phát huy sáng tạo của tập thể và cá nhân để nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống vi phạm dân chủ, vi phạm kỷ luật, gây rối nội bộ, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Tạo động lực mạnh mẽ để phát triển doanh nghiệp nhà nước bền vững trên cơ sở gắn bó chặt chẽ trách nhiệm giữa Giám đốc và công nhân, viên chức trong chăm lo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống, tạo thêm việc làm cho người lao động; phân định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của Giám đốc và công nhân, viên chức đối với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để tăng cường đoàn kết, thực hiện tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa Giám đốc và công nhân, viên chức cũng như trong nội bộ công nhân, viên chức, giữa cán bộ lãnh đạo quản lý với nhau; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp, của Giám đốc và của người lao động tương ứng với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 2. Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp phải đi đôi với nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện phân công, phân cấp cụ thể trong doanh nghiệp, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động quản lý của Giám đốc được chủ động, sáng tạo phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường; nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy chế của công nhân, viên chức và của cán bộ quản lý doanh nghiệp; thực hiện đúng đắn quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, đồng thời gìn giữ bí mật sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều 3. Người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng hợp đồng lao động, thỏa ước lao động đã ký kết, chấp hành đúng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, giữ gìn kỷ luật, đấu tranh chống các biểu hiện tham nhũng, lợi dụng dân chủ gây mất đoàn kết nội bộ; nỗ lực vì sự phát triển của doanh nghiệp khi thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn trong kinh doanh.

Điều 4. Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở doanh nghiệp nhà nước đối với toàn thể người lao động, đối với Hội đồng quản trị (ở những doanh nghiệp nhà nước có Hội đồng quản trị), Giám đốc, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển doanh nghiệp hoạt động ngày càng có hiệu quả và xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.

Chương 2:

NHỮNG VIỆC PHẢI CÔNG KHAI Ở DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 5. Những việc Hội đồng quản trị, Giám đốc phải công khai ở doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

1. Phương hướng, nhiệm vụ chung về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh dài hạn, trung hạn và từng năm của doanh nghiệp, những thuận lợi, khó khăn, yếu kém; đặc biệt là nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, công tác của phân xưởng, tổ (đội) sản xuất, phòng ban trực thuộc doanh nghiệp; những chủ trương lớn về thay đổi phương thức quản lý doanh nghiệp và chuyển đổi doanh nghiệp.

2. Những chế độ, chính sách chủ yếu của nhà nước và những quy định vận dụng của doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đối với người lao động ở doanh nghiệp về sắp xếp lại lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, đào tạo và đào tạo lại; tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở; phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ của doanh nghiệp; kế hoạch và thực hiện tuyển dụng, sắp xếp lại lao động; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động.

3. Nội quy của doanh nghiệp, các quy chế của doanh nghiệp về tuyển dụng, cho thôi việc; về thời gian làm việc, làm thêm giờ, nghỉ ngơi được hưởng lương, không được hưởng lương; về các định mức chi phí; về trả lương, trả thưởng, hiếu hỷ; về đề bạt cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ; khen thưởng, kỷ luật và trách nhiệm vật chất; về bảo vệ tài sản, bảo vệ bí mật sản xuất, kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật; về quy trình vận hành máy móc, thiết bị tại nơi làm việc; về sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu; về thực hiện an toàn lao động, bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi làm việc; về phòng hỏa; phòng chống các vi phạm pháp luật.

[...]