Thông báo 159-TB/TW năm 2004 về kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị 30- CT/TW và tiếp tục chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ do Ban Bí thư ban hành

Số hiệu 159-TB/TW
Ngày ban hành 15/11/2004
Ngày có hiệu lực 15/11/2004
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Ban Bí thư
Người ký Phan Diễn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 159-TB/TW

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2004

 

THÔNG BÁO

VỀ KẾT QUẢ 6 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30- CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA VIII) VÀ TIẾP TỤC CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ

Ngày 28, 29-9-2004, tại Hà Nội, Ban Bí thư đã mở Hội nghị toàn quốc để tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Trung ương và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Ban Bí thư kết luận như sau: 

- Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng. Chỉ thị được ban hành đúng lúc, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân nên được nhân dân hưởng ứng rộng rãi, đã đi vào cuộc sống tương đối nhanh, đến nay đã được thực hiện trên diện rộng ở hầu khắp 3 loại hình cơ sở (xã, phường, thị trấn; cơ quan; doanh nghiệp nhà nước).

Ở những nơi làm tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đã có sự chuyển biến đáng kể nhận thực của các thành viên trong hệ thống chính trị và của nhân dân về dân chủ, làm cho mọi người quan tâm và tham gia thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân từ cơ sở; các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng được nhân dân hiểu biết rõ, hăng hái tham gia góp ý kiến và thi đua thực hiện nên đạt kết quả tốt hơn; phần lớn các tranh chấp, vướng mắc trong dân với nhau và với chính quyền được hòa giải, giải quyết ổn thỏa từ cơ sở, đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo không khí chan hòa, cởi mở trong cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

- Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng đã góp phần tác động tích cực tới việc củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thúc đẩy việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải tiến sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, làm chuyển biến tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, công chức; đổi mới phương thức của cả hệ thống chính trị theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, là biện pháp quan trọng để khắc phục quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chỉ thị 30, những kết quả trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều và vững chắc, mới có khoảng 1/3 số đơn vị thực hiện tốt ở những mức độ khác nhau, không ít cấp ủy đảng, tổ chức, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân chưa nắm vững tinh thần Chỉ thị của Đảng và các Nghị định của Nhà nước về vấn đề này. Một số bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương chậm ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ trong lĩnh vực, ngành, đoàn thể mình. Nhiều nơi quy chế đã xây dựng còn dập khuôn, máy móc, chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện. Nhiều nơi còn tình trạng khoán trắng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho ban chỉ đạo, không kiểm tra thường xuyên để có chủ trương và giải pháp đồng bộ, thiết thực nên việc thực hiện còn mang nặng tính hình thức. Tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn nhiều, có khi nghiêm trọng; những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực không được phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, khắc phục kịp thời, làm giảm lòng tin, gây bất bình trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp.

Có những yếu kém trên đây trước hết là do cấp ủy, những người đứng đầu tổ chức đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thấu suốt quan điểm trong chỉ thị của Bộ Chính trị đã nêu. Có trường hợp người lãnh đạo cơ sở đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có sai lầm, khuyết điểm, mất đoàn kết nội bộ, nên e ngại triển khai, thậm chí không thực hiện Quy chế dân chủ.

Để thực hiện đúng các yêu cầu của Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) và những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết, Ban Bí thư yêu cầu trong thời gian tới cần giải quyết hai vấn đề lớn sau đây:

- Tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện 3 loại hình Quy chế dân chủ đã ban hành ở tất cả các cơ sở (xã, phường, cơ quan hành chính và doanh nghiệp nhà nước) trong cả nước và quan trọng hơn nữa là phấn đấu để đại bộ phận các đơn vị thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở thật sự đạt hiệu quả tốt.

- Mở rộng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ra các loại hình cơ sở còn lại.

Để thực hiện được hai nhiệm vụ nói trên, cần làm tốt một số việc sau đây:

1. Tất cả những nơi đã thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đều phải phấn đấu đạt kết quả thiết thực.

- Kết quả của việc phát huy dân chủ phải được thể hiện: nội bộ đoàn kết; các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội được ngăn chặn, đẩy lùi; các nhiệm vụ của đơn vị được hoàn thành tốt.

Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Trung ương cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để vận dụng thống nhất.

- Xác định rõ trách nhiệm hàng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại mỗi đơn vị thuộc về cấp ủy đảng, trước hết là bí thư cấp ủy và thủ trưởng đơn vị. Phải xem xét tình hình thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các lần kiểm điểm công tác thường kỳ của đơn vị; cũng như trong báo cáo công tác định kỳ của đơn vị lên cấp trên và coi đây là một tiêu chuẩn quan trọng để xét thi đua, khen thưởng hoặc công nhận danh hiệu đơn vị trong sạch, vững mạnh. Những cấp ủy và cá nhân không quan tâm chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở phải được nhắc nhở, phê bình; những người cản trở việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở phải được xem xét, xử lý. Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương thể chế hóa chủ trương này.

- Khâu có ý nghĩa quyết định để thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đạt kết quả thiết thực là: mỗi cơ sở phải xây dựng được các quy chế cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị mình để quy chế đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thiết thực. Các cơ quan ngành dọc của Trung ương cần tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm từ các đơn vị xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở để làm thành những tài liệu hướng dẫn mẫu cho các cơ sở trong cùng ngành, cùng lĩnh vực tham khảo vận dụng.

Ban Bí thư phân công cụ thể như sau:

+ Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng tài liệu hướng dẫn mẫu về các Quy chế dân chủ ở thôn, làng, ấp, bản, xã, phường, thị trấn.

+ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng tài liệu hướng dẫn mẫu về các Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.

+ Bộ Nội vụ và các bộ, ban, ngành ở Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn mẫu về các Quy chế dân chủ ở cơ quan hành chính.

+ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thiện để sớm trình Chính phủ ban hành Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì cùng các đoàn thể trên địa bàn dân cư giám sát đảng viên, cán bộ, công chức làm việc và sinh sống trên địa bàn khu dân cư, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Việc xây dựng các quy chế dân chủ mẫu trên đây cần thực hiện xong trước Tết âm lịch Ất Dậu 2005 để các cơ sở tham khảo. Phấn đấu đến giữa năm 2005, tất cả các đơn vị thuộc 3 loại hình cơ sở nói trên đều xây dựng hoặc hoàn thiện xong các quy chế dân chủ cụ thể ở đơn vị mình.

- Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Trung ương phối hợp với Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa – Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng có chương trình tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và nội dung của vấn đề xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và trách nhiệm của mỗi tổ chức, đoàn thể, mỗi người trong việc này.

- Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Trung ương cần biên soạn các tài liệu cần thiết: tài liệu phổ biến rộng rãi trong nhân dân; tài liệu học tập cho cán bộ cơ sở và tài liệu để giảng dạy, học tập dùng trong các trường đảng, trường hành chính, trường đoàn thể, trường quân đội, công an...

- Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp cần được kiện toàn kịp thời và có chương trình hoạt động ráo riết chỉ đạo và kiểm tra việc xây dựng, triển khai thực hiện quy chế dân chủ của các đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách. Ban Chỉ đạo Trung ương phải có chương trình thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các ngành, các cấp; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về các chuyên đề trong lĩnh vực này, thông báo rộng rãi những bài học kinh nghiệm hay để các nơi tham khảo, vận dụng.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì nghiên cứu việc chuyển các nghị định về Quy chế dân chủ cơ sở ở 3 loại hình đã thực hiện lâu nay thành văn bản pháp luật (pháp lệnh hoặc luật) để trình Quốc hội ban hành.

[...]