Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTBXH về tổ chức và hoạt động Đại hội công nhân viên chức trong công ty nhà nước do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 01/2005/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTBXH
Ngày ban hành 16/05/2005
Ngày có hiệu lực 15/06/2005
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Cù Thị Hậu,Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2005/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTBXH

Hà Nội , ngày 16 tháng 5 năm 2005

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM- BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 01/2005/TTLT- TLĐLĐVN - BLĐTBXH NGÀY 16 THÁNG 5 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẠI HỘI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC TRONG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Để thực hiện Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, Luật Công đoàn và Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 07/1999/ NĐ-CP ngày 13/02/1999 của Chính phủ;

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức và hoạt động Đại hội công nhân viên chức như sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

1.1. Thông tư này áp dụng đối với Tổng công ty nhà nước; các Công ty nhà nước độc lập; các Công ty thành viên hạch toán độc lập của Công ty do Nhà nước quyết định đầu tư được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước; các Công ty trách nhiệm hữu một thành viên, hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần mà vốn điều lệ là của Nhà nước (sau đây gọi chung là Công ty Nhà nước).

1.2. Khuyến khích các công ty khác mà Nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối vận dụng hướng dẫn tại Thông tư này để tổ chức Đại hội công nhân viên chức hoặc Hội nghị công nhân lao động cho phù hợp với đặc thù của công ty.

2. Nguyên tắc:

2.1. Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức (sau đây gọi chung là Đại hội CNVC) là hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp để công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại công ty. Đại hội CNVC được tiến hành từ cấp tổ, đội, phòng, ban, phân xưởng, đơn vị trực thuộc đến công ty.

2.2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty, trưởng các phòng, ban, quản đốc, đội trưởng, tổ trưởng sản xuất và Công đoàn cùng cấp có trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch, nội dung, quyết định triệu tập Đại hội CNVC đồng chủ trì Đại hội CNVC của cấp mình và chỉ đạo cấp dưới (nếu có) tổ chức Đại hội CNVC.

2.3. Đại hội CNVC được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số CNVCLĐ (đại hội toàn thể) hoặc 2/3 tổng số dại biểu được triệu tập (đại hội đại biểu) tham dự. Nghị quyết của đại hội có giá trị thi hành khi có trên 50% tổng số đại biểu dự đại hội biểu quyết tán thành và không trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Thời gian tổ chức Đại hội CNVC:

3.1. Cấp Tổng công ty nhà nước 5 (năm) năm tổ chức ít nhất hai lần Đại hội CNVC vào Quý II của năm định kỳ lựa chọn.

3.2. Các Công ty nhà nước còn lại, mỗi năm tổ chức Đại hội CNVC một lần vào Quý I năm kế hoạch.

4. Hình thức Đại hội CNVC:

         4.1. Đại hội toàn thể được tổ chức ở công ty có từ 150 CNVCLĐ trở xuống.

4.2. Đại hội đại biểu được tổ chức ở công ty có trên 150 CNVCLĐ.

Trường hợp công ty có dưới 150 CNVCLĐ nhưng do hoạt động phân tán hoặc không thể rời vị trí sản xuất thì Giám đốc thỏa thuận với Ban Chấp hành Công đoàn công ty tổ chức Đại hội đại biểu.

Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc, phân xưởng đội sản xuất, có trên 150 CNVCLĐ, thì lãnh đạo chuyên môn và Ban Chấp hành Công đoàn đồng cấp thống nhất chọn hình thức Đại hội toàn thể hoặc đại biểu, trước khi thực hiện phải xin ý kiến của lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn cấp trên trực tiếp.

4.3. Đại hội CNVC bất thường:

Tổng Giám đốc (Giám đốc) thống nhất với BCH Công đoàn công ty quyết định triệu tập Đại hội CNVC bất thường theo hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày nhận được một trong những yêu cầu sau:

- Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty yêu cầu;

-  Ban Chấp hành Công đoàn công ty yêu cầu;

-  Trên 50% tổng số CNVCLĐ đề nghị (Công đoàn tập hợp bằng văn bản);

-  Khi công ty tiến hành cổ phần hóa, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, tổ chức lại công ty (sáp nhập, hợp nhất, chia tách), giải thể, hoặc phá sản công ty.

Đại hội CNVC bất thường ở các đơn vị thành viên được tổ chức khi có sự nhất trí của lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn cấp trên trực tiếp.

5. Thành phần tham dự Đại hội CNVC:

5.1.  Đại hội toàn thể: là toàn thể CNVCLĐ.

[...]