Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 85/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật giám định tư pháp

Số hiệu 85/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 29/07/2013
Ngày có hiệu lực 15/09/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng ngày 28 tháng 03 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức giám định tư pháp công lập; việc thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng giám định tư pháp; công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với hoạt động giám định tư pháp.

Chương 2.

TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CÔNG LẬP

Điều 2. Tổ chức giám định tư pháp công lập

1. Tổ chức giám định tư pháp công lập thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác quy định cụ thể việc thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng của tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc ngành mình.

2. Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác quy định cụ thể về chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc ngành mình để bảo đảm tiếp nhận kịp thời việc trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định tư pháp.

Điều 3. Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế

1. Viện pháp y quốc gia có các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp;

b) Xây dựng quy chuẩn giám định pháp y trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

c) Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp y;

d) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ pháp y đối với các tổ chức giám định pháp y trong toàn quốc theo quy định của Bộ Y tế;

đ) Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;

e) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Y tế;

g) Tổng kết, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y theo định kỳ hàng năm, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y;

h) Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Viện pháp y quốc gia có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định phải là giám định viên tư pháp. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện pháp y quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm.

[...]