Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội 1959

Số hiệu 3/SL
Ngày ban hành 31/12/1959
Ngày có hiệu lực 13/01/1960
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Xuân Thuỷ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

LUẬT

BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Điều 2. Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, và từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội.

Điều 3. Công dân đang ở trong Quân đội có quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội theo Điều 2 Luật này.

Điều 4. Những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử ứng cử và những người mất trí không có quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội.

Điều 5. Kinh phí về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội do ngân sách Nhà nước chịu.

Chương 2:

DANH SÁCH CỬ TRI

Điều 6. Lúc lập danh sách cử tri, những công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội cư trú thường xuyên hay tạm thời ở đâu đều được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi đó.

Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú.

Điều 7. Danh sách cử tri do các Uỷ ban hành chính thị xã, khu phố, xã, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu.

Danh sách cử tri ở các đơn vị Quân đội và Công an nhân dân võ trang do các Ban chỉ huy đơn vị Quân đội và Công an nhân dân võ trang lập cho mỗi khu vực bỏ phiếu.

Điều 8. Chậm nhất là ba m ươi ngày trước ngày bầu cử, phải niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở các Uỷ ban hành chính thị xã, khu phố, xã, thị trấn hay là tại những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu. Đồng thời phải thông báo cho nhân dân biết việc niêm yết và phải vận động nhân dân tham gia kiểm tra danh sách.

Điều 9. Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai lầm hoặc thiếu sót thì trong thời hạn hai mươi ngày kể từ ngày niêm yết, nhân dân có quyền khiếu nại hoặc báo cáo bằng miệng hoặc bằng giấy lên cơ quan lập danh sách. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào một quyển sổ những khiếu nại hoặc báo cáo miệng. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc báo cáo, cơ quan lập danh sách phải giải quyết xong.

Nếu người khiếu nại hoặc báo cáo chưa đồng ý về cách giải quyết đó, thì có quyền khiếu nại lên Toà án nhân dân huyện, châu, thị xã hoặc thành phố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Toà án nhân dân phải giải quyết xong; quyết định của Toà án nhân dân là quyết định cuối cùng.

Điều 10. Từ khi công bố danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác không thể tham gia bỏ phiếu được ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri, thì có quyền xin giấy chứng nhận của Uỷ ban hành chính nơi đó để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu nơi mới đến. Khi cấp giấy chứng nhận, Uỷ ban hành chính phải ghi ngay vào danh sách, bên cạnh tên người cử tri: "Đi bỏ phiếu nơi khác".

Chương 3:

ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ KHU VỰC BỎ PHIẾU

Điều 11. Đại biểu Quốc hội do từng đơn vị bầu cử bầu ra.

Số đại biểu định cho mỗi đơn vị bầu cử là căn cứ vào số dân của đơn vị đó: cứ năm vạn (50.000) dân được cử một đại biểu; nếu số lẻ còn lại quá hai vạn năm nghìn (25.000) thì được thêm một đại biểu.

Ở những khu vực công nghiệp tập trung và ở những thành phố trực thuộc trung ương thì có thể từ một vạn (10.000) đến ba vạn (30.000) dân được cử một đại biểu.

Điều 12. Dựa vào dân số dân tộc thiểu số so với dân số toàn quốc, số đại biểu Quốc hội dành cho các dân tộc thiểu số bằng khoảng một phần bảy tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu Quốc hội dành cho các dân tộc thiểu số do Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân phối, nhằm bảo đảm cho các dân tộc thiểu số có số đại biểu tương xứng trong Quốc hội.

Điều 13. Đơn vị bầu cử là tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu (không chia tỉnh) và khu công nghiệp tập trung nói ở Điều 11.

Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu hay là khu công nghiệp tập trung, dân số đông, số đại biểu có từ mười người trở lên thì có thể chia thành nhiều đơn vị bầu cử.

Điều 14

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu cho mỗi đơn vị do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định, và phải được công bố chậm nhất là hai tháng trước ngày bầu cử.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ