Thông tư 32-TTg-1976 hướng dẫn thi hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ở miền Bắc trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 32-TTg
Ngày ban hành 14/01/1976
Ngày có hiệu lực 29/01/1976
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hữu Dực
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 1976 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI Ở MIỀN BẮC TRONG CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở miền Bắc trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước.

Căn cứ luật bầu cử đại biểu Quốc hội và văn kiện: “Những vần đề đã được hai Đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc” mà Quốc hội đã phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ quy định và hướng dẫn như sau:

1. Cuộc tổng tuyển cử lần này có ý nghĩa chính trị to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước ta, là một dịp biểu dương lực lượng chính trị quan trọng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Trong tình hình đất nước đã hòa bình, việc bầu cử miền Bắc đã đi vào nền nếp, tuy vậy không nên chủ quan, các địa phương phải có gắng tiến hành thật sự dân chủ, đúng pháp luật và đạt kết quả cao, làm cơ sở cho thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử trong cả nước. Từ nay cho đến ngày kết thúc thắng lợi cuộc bầu cử, các Ủy ban Hành chính địa phương phải biết kết hợp chặt chẽ công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử với mọi mặt công tác ở địa phương, coi việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử là nhiệm vụ hàng đầu của địa phương.

2. Các địa phương phải chú trọng tăng cường tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội trong quần chúng nhân dân; giáo dục và nâng cao tinh thần làm chủ tập thể của toàn dân; giáo dục sâu rộng ý thức tôn trọng quyền làm chủ thật sự của nhân dân trong cán bộ; gây không khí phấn khởi và tin tưởng trong nhân dân, trên cơ sở đó mà động viện mọi người công dân tích cực tham gia  bầu cử Quốc hội và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

3. Các địa phương chuẩn bị và tiến hành tổng tuyển cử lần này căn cứ theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 31-12-1959, những quy định về thể lệ bầu cử nói trong các thông tư số 57-TTg ngày 4-3-1960, thông tư số 328-TTg ngày 31-12-1974 và những điểm cụ thể dưới đây:

a) Các địa phương phải hoàn thành những việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đúng thời hạn đã quy định trong Luật: Việc thành lập các Ban bầu cử, Tổ bầu cử, việc ấn định và công bố các khu vực bỏ phiếu, việc lập và niêm yết danh sách cử tri, việc thu nhận đơn và các giấy tờ khác của những người ứng cử, công bố danh sách những người ứng cử; việc phát thẻ cử tri, phiếu bẩu cử…

b) Cần nắm vững yêu cầu của việc lập danh sách cử tri là không bỏ sót một người nào có quyền bầu cử, không ghi nhầm một người nào không có quyền bầu cử vào danh sách.

Khi xác định một người không có quyền bầu cử cần xem xét thận trọng, cụ thể. Ví dụ: muốn xác định một người mất trí không có quyền bầu cử thì phải có căn cứ là người đó không tự chủ được suy nghĩ và hành động, không phân biệt được trái phải; muốn xác định một người đang bị quản chế không có quyền bầu cử thì phải có căn cứ cụ thể dựa vào quyết định của Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc dựa theo bản án của tòa án nhân dân. Đối với tất cả những trường hợp chưa rõ ràng thì Ủy ban Hành chính cơ sở phải điều tra thêm, hoặc hỏi ý kiến cấp trên, không được kết luận tùy tiện.

c) Theo văn kiện: “Những vấn đề đã được hai Đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc” thì đơn vị bầu cử là tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Những đơn vị bầu cử nào có nhiều đại biểu thì cơ quan chủ trì bầu cử căn cứ vào đề nghị của tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định chia thành nhiều khu vực bầu cử. Như thế, đối với những tỉnh không cần chia ra nhiều khu vực bầu cử thì Ủy ban Hành chính tỉnh thành lập Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử theo điều 20 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trên 10 đại biểu cần phải chia ra nhiều khu vực bầu cử thì Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập ở mỗi khu vực bầu cử một Ban bầu cử theo điều 20 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, không thành lập Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử.

Tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh là một khu vực bầu cử trong đơn vị bầu cử Bình Trị Thiên (Hội nghị hiệp thương chính trị đã xác định Bình Trị Thiên là một đơn vị bầu cử). Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình cùng Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh thành lập một Ban bầu cử theo điều 20 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

d) Dấu của Ban bầu cử ở  khu vực bầu cử theo mẫu dấu của Ban bầu cử của tỉnh, thành phố có nhiều đơn vị bầu cử nói trong thông tư số 57-TTg ngày 4-3-1960 nhưng cần thay chữ “Đơn vị số …” bằng chữ “Khu vực bầu cử số …”

e) Việc lập khu vực bỏ phiếu phải theo tiêu chuẩn dân số đã quy định trong Luật bầu cử, không nên chia khu vực bỏ phiếu quá nhỏ. Ở các thành phố mỗi khu vực bỏ phiếu nên nằm trong phạm vi một tiểu khu cho tiện.

Trên đây là những vấn đề chủ yếu trong việc tiến hành tổng tuyển cử. Các Ủy ban Hành chính địa phương phải nghiên cứu kỹ thông tư này, luật lệ bầu cử, chỉ thị của trung ương Đảng về bầu cử và đặt kế hoạch thi hành chu đáo; đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện để bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Trần Hữu Dực

 

9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ