Kế hoạch 40/KH-HĐBCQG năm 2016 triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành

Số hiệu 40/KH-HĐBCQG
Ngày ban hành 29/01/2016
Ngày có hiệu lực 29/01/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Hội đồng bầu cử
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BẦU CỬ
QUỐC GIA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40 /KH-HĐBCQG

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021

Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13; Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng bầu cử xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 22/5/2016. Cuộc bầu cử diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra. Cuộc bầu cử là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân; bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; đại biểu được bầu có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đảm bảo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

II. NHỮNG NỘI DUNG CÔNG VIỆC CỤ THỂ

1. Tổ chức các Hội nghị triển khai công tác bầu cử

- Ở trung ương : Bộ Chính trị chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (ngày 02/2/2016).

- Ở địa phương: Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở địa phương mình.

(Thời gian: tổ chức sau Hội nghị Trung ương triển khai, dự kiến từ ngày 03/02 - 05/02/2016).

2. Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử

2.1. Ở Trung ương: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, xác định Hội đồng bầu cử quốc gia có 21 thành viên, gồm đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện một số cơ quan, tổ chức hữu quan do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

2.2. Ở địa phương: Việc thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử được tiến hành theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, cụ thể như sau:

a) Về thành lập Ủy ban bầu cử:

- Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ 21 – 31 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Thời hạn quyết định thành lập: Chậm nhất là ngày 7/2/2016 (105 ngày trước ngày bầu cử).

- Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Ủy ban bầu cử ở huyện có từ 11 – 15 thành viên, Ủy ban bầu cử ở xã có từ 9 – 11 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Thời hạn quyết định thành lập: Chậm nhất là ngày 7/2/2016 (105 ngày trước ngày bầu cử).

Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực trung ương (Ủy ban bầu cử ở huyện), Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (Ủy ban bầu cử ở xã) để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã tương ứng.

Số lượng và thành phần Ủy ban bầu cử thực hiện như khoản 2, Điều 22 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (trừ thành phần đại diện thường trực Hội đồng nhân dân).

b) Về thành lập Ban bầu cử:

- Ban bầu cử đại biểu Quốc hội: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9 – 15 thành viên để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Thời hạn quyết định thành lập: Chậm nhất là ngày 13/3/2016 (70 ngày trước ngày bầu cử).

- Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Thành phần Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thêm đại diện cử tri ở địa phương.

+ Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 11 – 13 thành viên;

[...]