Thông tư 02/2016/TT-BNV hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 02/2016/TT-BNV
Ngày ban hành 01/02/2016
Ngày có hiệu lực 01/02/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Duy Thăng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

B NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2016/TT-BNV

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở địa phương, gồm: Tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện trước ngày bầu cử, trong ngày bầu cử và sau ngày bầu cử.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ Ở ĐỊA PHƯƠNG

Điều 3. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

1. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương do Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định (cơ cấu, thành phần của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương này không có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp).

Đối với đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì vẫn thành lập Ban bầu cử và Tổ bầu cử riêng; thành viên Ban bầu cử có thể tham gia làm thành viên Tổ bầu cử.

2. Cơ quan cố thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.

3. Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình.

Đối với việc thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định.

Điều 4. Phân công nhiệm vụ thành viên tổ chức phụ trách bầu cử

Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp xã; Trưởng ban Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Tổ trưởng Tổ bầu cử (sau đây gọi chung là người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử) chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị, triển khai, tổ chức ngày bầu cử, các công việc tiến hành sau ngày bầu cử cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử. Trong đó, phân công một thành viên chịu trách nhiệm tổng hợp chung công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử và của Ban bầu cử.

Điều 5. Hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và trách nhiệm của các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử

1. Hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử

a) Căn cứ điều kiện cụ thể, các tổ chức phụ trách bầu cử có thể trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội giúp việc cho tổ chức phụ trách bầu cử theo quyết định của người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử;

[...]