Kế hoạch hành động 80/KH-UBND đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 80/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2024
Ngày có hiệu lực 08/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 08 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM, GIA TĂNG CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG LÂM THỦY SẢN NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định 613/QĐ-BNN-CCPT ngày 28/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quyết định ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024, Quyết định số 4509/QĐ-BNN-CCPT ngày 30/10/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 07/10/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông lâm thủy sản Ninh Bình tại thị trường trong nước và quốc tế.

2. Thống nhất chỉ đạo từ tỉnh tới cơ sở, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các chương trình, kế hoạch, đề án về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường.

3. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) ở các cấp, các ngành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT

1. Về nâng cao năng lực

Trên 85% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

2. Về an toàn thực phẩm

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,1%;

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 93,0%;

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% (so với năm 2023);

- Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng 10% (so với năm 2023);

- Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP, GAHP và tương đương tăng 10% (so với năm 2023);

- Diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ tăng 30% (so với năm 2023).

- Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng tăng 20% (so với năm 2023);

- Số lượng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 10% (so với năm 2023).

3. Về chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nông nghiệp hữu cơ

- Năm 2024 có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên (nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh đạt 200 sản phẩm);

- Gia tăng số lượng sản phẩm nông lâm thủy sản được đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhất là khâu sau thu hoạch và chế biến nông sản nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2024

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành

- Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường.

- Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, chế biến, phát triển thị trường nông sản.

[...]