Kế hoạch 984/KH-UBND thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre năm 2022

Số hiệu 984/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2022
Ngày có hiệu lực 24/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 984/KH-UBND

Bến Tre, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TỈNH BẾN TRE NĂM 2022

Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2022; Quyết định số 2882/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

a) Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả; góp phần thực hiện đạt kết quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

b) Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần xác định đây là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; chủ động phối hợp, bám sát mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình OCOP đạt kết quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

a) 100% đơn vị cấp huyện được củng cố, kiện toàn Bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện.

b) Trong năm, mỗi huyện, thành phố phát triển ít nhất 05 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận và trình Trung ương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

c) Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch: Phấn đấu có 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, tập huấn

a) Tiếp tục tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng truyền thông; xây dựng các chuyên đề, chuyên mục trên Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, các trang thông tin điện tử,... và trên website http://ocop.bentre.gov.vn về Chương trình OCOP.

b) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể sản xuất trên địa bàn về ý nghĩa và sự cần thiết Chương trình OCOP. Chú trọng các nội dung như: quan điểm, đối tượng, mục tiêu, nguyên tắc của Chương trình; chu trình thường niên, tiêu chuẩn sản phẩm và Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP…; rà soát các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

c) Tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất xây dựng, triển khai phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh; các quy định về bao bì, ghi nhãn hàng hoá; về bảo vệ môi trường trong sản xuất; về an toàn vệ sinh thực phẩm; về xây dựng thương hiệu; về Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm; về lập hồ sơ minh chứng,... và các văn bản mới do Trung ương ban hành.

2. Phát triển các mô hình kinh tế tập thể

Củng cố, nâng cấp, thành lập mới các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP: Triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất kinh doanh.

3. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận, nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tham gia Hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu….

4. Phát triển sản phẩm

a) Khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm về nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; vùng nguyên liệu; lực lượng lao động; khả năng đầu tư phát triển sản phẩm OCOP. Tư vấn xây dựng, xét chọn ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia; xây dựng, kế hoạch tổng hợp ý tưởng sản phẩm của cấp huyện và gửi kết quả về cơ quan quản lý OCOP cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tư vấn hướng dẫn, xét chọn, triển khai phương án sản xuất kinh doanh.

b) Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh đảm bảo đúng quy định tại các Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019, Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian gửi hồ sơ về cấp tỉnh đánh giá, phân hạng tối thiểu 02 lần/năm theo chu trình OCOP hàng năm.

c) Ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO.... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống từ thủy hải sản, động vật, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến). Sản phẩm đăng ký cần đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện.

d) Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá sản phẩm.

[...]