Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Kế hoạch 4705/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương” năm 2022

Số hiệu 4705/KH-UBND
Ngày ban hành 24/12/2021
Ngày có hiệu lực 24/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Trần Văn Quân
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4705/KH-UBND

Hải Dương, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH HẢI DƯƠNG” NĂM 2022

Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương” (gọi tắt là Đề án OCOP), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án OCOP năm 2022 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Năm 2022, toàn tỉnh có ít nhất 50 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp khoảng 10% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; có khoảng 25% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; hỗ trợ xây dựng 01 trung tâm; 05 điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; phát hành Logo sản phẩm OCOP Hải Dương.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...và định hướng xuất khẩu.

- Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành các sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện Đề án OCOP năm 2022 phải bám sát vào định hướng, quan điểm, mục tiêu Chương trình OCOP của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương.

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Đề án OCOP; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, các chủ thể sản xuất trong thực hiện Đề án OCOP để phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng, nâng cao chất lượng.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác tuyên truyền về chương trình OCOP

- Tuyên truyền sự cần thiết, các nguyên tắc triển khai, nội dung, cơ chế, chính sách, các mô hình điển hình về triển khai Chương trình, phát triển sản phẩm.

- Tiến hành xây dựng, tuyên truyền 50 tin, 20 phóng sự trên Báo Hải Dương, Đài phát thanh truyền hình tỉnh; xây dựng 80 bài và 50 tin chuyên mục về Chương trình OCOP trên báo giấy và báo điện tử; xây dựng 500 cuốn cẩm nang sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương.

2. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

2.1. Đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là cơ sở sản xuất, kinh doanh):

- Nội dung: Trồng rau an toàn, lúa nếp chất lượng, cây ăn quả, nuôi và trị bệnh gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

- Số lượng: Tổ chức 15 lớp (525 người) đào tạo nghề cho lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình.

2.2. Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và chủ thể tham gia Chương trình OCOP:

- Nội dung: Theo Bộ tài liệu được ban hành kèm theo Quyết định số 4464/QĐ-BNN-VPĐP ngày 06/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các tài liệu cập nhật mới nhất liên quan đến Chương trình.

- Số lượng: Tổ chức 01 lớp cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã; 04 lớp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình.

2.3. Tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm Chương trình OCOP:

Tổ chức 01 cuộc (20 thành viên/cuộc) đi tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt Chương trình OCOP.

3. Triển khai thực hiện Chu trình OCOP

3.1. Đăng ký sản phẩm, lựa chọn sản phẩm của các chủ thể tham gia Đề án OCOP:

- Các ý tưởng sản phẩm: Trên cơ sở đề xuất ý tưởng sản phẩm theo nhu cầu của chủ thể, UBND cấp xã, Cơ quan thường trực OCOP cấp huyện chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý OCOP cấp tỉnh hướng dẫn chủ thể.

- Các sản phẩm đã có: Căn cứ theo mức độ hoàn thiện của sản phẩm để có tư vấn, hỗ trợ nâng cấp, cải tiến phù hợp với Chu trình OCOP, Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và điều kiện thực tế của chủ thể; Hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, xếp hạng theo Chu trình.

[...]