Kế hoạch 09/KH-UBND thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 12/01/2022
Ngày có hiệu lực 12/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 12 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2022

Nhằm triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP. Cần Thơ có hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn TP. Cần Thơ năm 2022 (viết tắt là Chương trình OCOP-CT), với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chương trình OCOP-CT nhằm thực hiện việc phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần tái cơ cấu kinh tế thành phố Cần Thơ theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; Chú trọng thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu tiêu chuẩn hóa 41 sản phẩm hiện có, phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, bao gồm các doanh nghiệp (DN) và các hợp tác xã (HTX); triển khai phát triển 01 làng nghề tranh gạo; phát triển thêm 20 đến 25 sản phẩm OCOP đạt từ 03 đến 04 sao trở lên, trong đó có từ 1 đến 2 sản phẩm đạt tiềm năng 05 sao. Phấn đấu năm 2022 mỗi quận, huyện có ít nhất 2 sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên.

b) Triển khai nội dung Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản có liên quan cho 100% cán bộ quản lý nhà nước các cấp và các tổ chức, cá nhân tham gia; đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước thực hiện Chương trình OCOP các cấp; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện

a) Tiếp tục ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP-CT. Đồng thời, tổng hợp, bổ sung và ban hành các tài liệu về chủ trương, chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP của Trung ương và rà soát, hoàn thiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

b) Tiếp tục kiện toàn Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp thành phố tại mỗi kỳ đánh giá thường niên, đồng thời rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Quy chế hoạt động Hội đồng (nếu cần).

c) Khen thưởng kịp thời và hiệu quả các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP-CT.

d) Tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 và định hướng phương hướng nhiệm vụ năm 2023; tham dự các cuộc họp, Hội nghị, Hội thảo do Trung ương tổ chức; tham gia trưng bày sản phẩm tại các Hội nghị, Hội chợ,... và một số Hội nghị khác.

2. Công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn

a) Phối hợp với các cơ quan, viện, trường và các đơn vị có liên quan tổ chức 20 lớp đào tạo nhân lực cho Chương trình OCOP (cán bộ tham gia quản lý, điều hành; các chủ thể sản xuất, lao động tại các DN, HTX, THT, hộ sản xuất với nội dung được ban hành tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và các nội dung văn bản giai đoạn 2021 - 2025; Các lớp chuyển đổi số hóa cho các chủ thể và cán bộ quản lý. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, viện, trường và các đơn vị có liên quan tổ chức 10 lớp đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng sản phẩm.

b) Lồng ghép với việc tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến cơ sở: Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Đài truyền thanh quận, huyện, trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Cần Thơ, Báo Nông thôn ngày nay.

c) Hỗ trợ 18 bảng quảng cáo và 2.000 tờ rơi tuyên truyền về Chương trình OCOP tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố.

d) Tổ chức học tập kinh nghiệm về Chương trình OCOP cho các cán bộ tham gia quản lý, điều hành các cấp; các chủ thể sản xuất, lao động tại các DN, HTX, THT, hộ sản xuất,... tại các tỉnh, thành trong và ngoài nước.

3. Triển khai Chu trình OCOP của thành phố

a) Tuyên truyền hướng dẫn về Chương trình OCOP

Xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP các cấp và sự hiểu biết của cộng đồng.

Hình thức tuyên truyền: Các phương tiện thông tin đại chúng; tại các hội nghị, hội thảo,...

Thời gian thực hiện: liên tục trong năm.

Trách nhiệm: Cơ quan quản lý Chương trình OCOP các cấp, Báo, Đài.

b) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm

Sau khi được tuyên truyền, chủ thể tham gia Chương trình đăng ký ý tưởng sản phẩm cho hệ thống quản lý Chương trình. Cán bộ quản lý Chương trình sẽ lựa chọn và hướng dẫn, tập huấn về phương pháp xây dựng phương án kinh doanh.

[...]