Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2021
Ngày có hiệu lực 03/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 03 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC, CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Chỉ thị số 8141/CTT-BNN ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên các loại cây trồng chủ lực nhằm tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững; góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường.

2. Yêu cầu

Nội dung, nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải cụ thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm; tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Hàng năm đào tạo 30 giảng viên chính cấp tỉnh, huyện thông qua khóa đào tạo giảng viên (TOT) để có đủ nguồn năng lực tổ chức các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trong sản xuất đại trà.

Thực hiện lồng ghép các lớp tập huấn mùa vụ của khuyến nông để tuyên truyền, phổ biến kiến thức IPM trên các cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao đến người sản xuất (hàng năm tổ chức 01 lớp tại tỉnh, 07 lớp tại huyện và 500 lớp tại các xã);

Xây dựng 30 mô hình cấp tỉnh, 108 mô hình cấp huyện áp dụng IPM trên các loại cây trồng chủ lực.

Trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả quản lý dịch hại IPM vào sản xuất.

Diện tích sản xuất các cây lúa, ngô, lạc, rau, chè, cây ăn quả có trên 80% ứng dụng IPM; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; giảm lượng thuốc hóa học, giảm lượng phân đạm, giảm lượng giống, giảm lượng nước tưới và tăng hiệu quả sản xuất.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật IPM, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, phổ biến Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật... các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng giống, thuốc BVTV, phân bón,… tới người sản xuất trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,...), các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Tuyên Quang; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Trung tâm Văn hóa, truyền thông và thể thao huyện; hệ thống truyền thanh xã, thôn…).

Xây dựng các tin, bài, phóng sự, chuyên mục khuyến nông về IPM để phổ biến rộng rãi tới người sản xuất các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM; các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, VietGAP, các quy trình sản xuất bền vững, sản xuất hữu cơ, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI....

Tổ chức hội nghị, hội thi tìm hiểu về IPM để tuyên truyền vận động người dân áp dụng các nguyên tắc, hướng dẫn kỹ thuật IPM; nâng cao nhận thức của người sản xuất về công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV, phân bón nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

Xây dựng tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), in tờ rơi, poster tuyên truyền... để phổ biến kiến thức IPM trên các cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao đến người sản xuất; phổ biến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm giảm sự gây hại của dịch hại, bảo vệ sản xuất.

2. Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân

Xây dựng đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, cấp huyện thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo giảng viên (TOT), các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trong sản xuất đại trà cho người trực tiếp sản xuất, các chủ trang trại, Hợp tác xã…; nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật, khuyến nông và đội ngũ nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường và thực nghiệm trên đồng ruộng; tạo điều kiện để lực lượng này phát huy vai trò hướng dẫn, giúp đỡ cộng đồng thực hiện các hoạt động IPM.

Tham gia các hoạt động phối hợp, liên kết với các trường, các viện để nghiên cứu về chương trình IPM.

Bổ sung, hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống theo dõi, điều tra phát hiện, dự tính dự báo, giám sát dịch hại, giám sát phòng trừ nhằm đáp ứng kịp thời, chính xác thông tin phục vụ công tác quản lý dịch hại trên cây trồng.

[...]