Kế hoạch 1105/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 1105/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2021
Ngày có hiệu lực 24/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1105/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 24 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày năm 2015;

Căn cứ Luật Trồng trọt năm 2018;

Căn cứ Luật Kiểm dịch và bảo vệ thực vật năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

Căn cứ Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT về tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng suất khẩu;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cụ thể như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ỨNG DỤNG IPM GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 về “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh". Sau 5 năm thực hiện, kết quả đạt được như sau:

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu:

- Số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM/tổng số xã đạt 92,9% (Kế hoạch là 90%).

Trên các cây trồng chủ lực:

- Đối với cây lúa: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (gồm cả SRI, gieo sạ): trên 46 ngàn ha, tương đương 76% (KH là 80%), số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 90% (KH là 70%), lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 45% (KH 50%), lượng phân đạm giảm 12% (KH 10%), lượng nước tưới giảm 21% (KH 20%), hiệu quả sản xuất tăng 14% (KH 10%).

- Đối với cây rau: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (gồm cả RAT, VietGAP): trên 3,7 ngàn ha tương đương 62% (KH 70%), số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 73% (KH 70%), lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 37% (KH 50%), lượng phân đạm giảm 17% (KH 20%), hiệu quả sản xuất tăng 25% (KH 30%)

- Đối với cây chè: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (gồm cả Chè an toàn, VietGAP, RFA, UTZ...): trên 9,2 ngàn ha tương đương 71% (KH 80%), số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 79% (KH 70%), lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 54% (KH 50%), hiệu quả sản xuất tăng 15% (KH 15%)

- Đối với cây bưởi: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ: trên 3,0 ngàn ha tương đương 71% (KH 70%), số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 71% (KH 70%), lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 32% (KH 30%), tăng hiệu quả sản xuất 22% (KH 20%).

(Chi tiết theo biểu 1)

2. Công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền:

* Công tác tập huấn:

- Cấp tỉnh thực hiện 5 lớp TOT, 189 lớp FFS và 617 lớp tập huấn nông dân cho 22.509 lượt người tham gia.

- Cấp huyện thực hiện 3 lớp TOT, 81 lớp FFS và 2.823 lớp tập huấn nông dân cho 149.387 lượt người tham gia.

* Công tác tuyên truyền: Tổng số tin bài đăng tạp chí, báo 241 bài, thực hiện 150 phóng sự, 12.667 phát thanh (huyện, xã), cấp phát tài liệu tờ rơi 117.179 tờ.

3. Xây dựng mô hình ứng dụng IPM: Tổng số mô hình triển khai trong giai đoạn là 359 mô hình (19.416 ha), số hộ tham gia 96.045 hộ. Trong đó: Cây lúa 159 mô hình (KH 65 MH); cây rau 26 mô hình (KH 30 MH); cây chè 24 mô hình (KH 45 MH); cây bưởi 60 mô hình (KH 25 MH); mô hình IPM khác như: Bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, diệt chuột tập trung,… là 90 mô hình.

4. Phát triển Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật:

- Từ năm 2016 - 2020, số tổ dịch vụ được thành lập là 61 tổ. Trong đó: Năm 2016 có 19 tổ; thành lập mới năm 2017 là 08 tổ, năm 2018 là 10 tổ, năm 2019 là 15 tổ, năm 2020 là 09 tổ. Tính đến nay số tổ còn hoạt động là 55 tổ; số tổ không hoạt động là 06 tổ, do giải thể Hợp tác xã, không có thành viên.

- Diện tích Tổ dịch vụ thực hiện 4.636 ha, trong đó trên cây lúa 2.276 ha; cây rau 92 ha; cây chè 117 ha, cây bưởi 554 ha, cây trồng khác 10 ha. Có 08 tổ dịch vụ hoạt động BVTV toàn phần và 53 tổ dịch vụ hoạt động BVTV bán toàn phần.

[...]