Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2080/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Cao Bằng"

Số hiệu 2080/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2021
Ngày có hiệu lực 11/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Trung Thảo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2080/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 11 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC GIAI ĐOẠN 2021-2025 TẠI TỈNH CAO BẰNG”

Thực hiện Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Giảm nguy hại do sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, hướng đến cân bằng sinh thái, bảo vệ thiên địch, thông qua việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

- Nâng cao vai trò của nông dân trong quản lý đồng ruộng và trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng nhờ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thông qua hình thức đào tạo, tập huấn.

2. Mục tiêu cụ thể đến 2025:

- Với cây ăn quả: Cây cam quýt (các huyện Hòa An, Trùng Khánh), cây lê (các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Bảo Lạc, Hòa An), cây mận máu (huyện Bảo Lạc) có 30% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản suất; tăng sử dụng phân bón hữu cơ trên 20%, giảm phân bón vô cơ 20%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 20%, thuốc hóa học giảm trên 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.

- Với cây thạch đen: Tại huyện Thạch An có 60% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; lượng phân hóa học giảm trên 10%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 15%, thuốc hóa học giảm trên 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây rau: Tại các vùng sản xuất rau tập trung (các huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa và Thành phố Cao Bằng) có trên 30% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; lượng phân vô cơ giảm trên 15%, thuốc hóa học giảm trên 30%, sử dụng phân bón hữu cơ tăng trên 20%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây lúa: có 50% diện tích trồng lúa được ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản suất; tăng sử dụng phân bón hữu cơ 20%, giảm phân bón vô cơ từ 10%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 10%, lượng thuốc hóa học giảm trên 15%, lượng giống giảm trên 15%, lượng nước tưới giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.

- Với cây ngô:

+ Vùng đất dốc: Có 20% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng giống giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

+ Vùng khác (đất ven sông, bãi soi,...): Có 50% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng giống giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây dong riềng: Tại các huyện Nguyên Bình, Hòa An có 40% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ, trên 70% số hộ nông dân được học tập, hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; lượng thuốc hóa học giảm trên 15%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây đậu tương: Có 30% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ, trên 70% số hộ nông dân được học tập, hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; giảm lượng thuốc hóa học trên 15%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đào tạo nguồn nhân lực:

- Tổ chức các khóa đào tạo đội ngũ giảng viên (TOT) cấp tỉnh, huyện, xã là "giảng viên chính” để đội ngũ này trực tiếp tập huấn, huấn luyện nông dân áp dụng IPM trong sản xuất đại trà.

- Tập huấn nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho khuyến nông viên cơ sở và nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường, nghiên cứu đồng ruộng, tạo điều kiện để lực lượng này phát huy vai trò hướng dẫn, giám sát, giúp đỡ cộng đồng thực hiện các hoạt động IPM.

2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người sản xuất và cộng đồng:

- Tuyên truyền thông qua các lớp IPM tập huấn tại cộng đồng: Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và cộng đồng về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách" nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất.

- Tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng:

+ Thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền, bao gồm: In ấn tờ rơi, pano, áp phích, bản tin, băng đĩa hình; sổ tay hướng dẫn quy trình IPM trên cây ăn quả, cây thạch đen, cây rau, lúa, ngô, đậu tương, dong riềng.

+ Tuyên truyền trên Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và cấp huyện về các biện pháp kỹ thuật IPM, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, các quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Xây dựng mô hình:

Các mô hình được xây dựng và đánh giá dựa trên hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội như: nâng cao nhận thức của nông dân về kỹ thuật canh tác, quản lý tốt dịch hại trên cây trồng thông qua các biện pháp canh tác theo hướng bền vững, năng suất tăng cao và ổn định nhưng chi phí đầu tư thấp do giảm sử dụng thuốc hóa học và bón phân cân đối, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trên nông sản sau thu hoạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể:

[...]