Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 907/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 907/KH-UBND
Ngày ban hành 18/02/2022
Ngày có hiệu lực 18/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 907/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 13/10/2021 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn; xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với sản xuất để bán.

2. Thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

3. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; kịp thời biểu dương khen thưởng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Làm thay đổi tư duy cũ trong sản xuất, tiêu dùng nông sản thực phẩm.

4. Đảm bảo việc phối hợp đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp để đạt được chỉ tiêu, nội dung của Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 13/10/2021 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2025

1. 100% cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; loại trừ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với để bán.

2. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 mô hình sản xuất gắn với xây dựng cửa hàng, siêu thị, trung tâm tiêu thụ nông sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Quảng Nam.

3. 100% cán bộ các cấp hội và 80% hội viên được tập huấn kiến thức, các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

4. 100% cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

III. ĐỐI TƯỢNG

1. Các tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm; tập trung vào các hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm.

2. Các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

IV. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn. Phổ biến về yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu nông lâm thủy sản. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm:

- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các văn bản liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.

- Thông tin, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, lợi ích của việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp kiến thức, kỹ năng nhận diện sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; thường xuyên cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, vận động phê phán, đấu tranh tẩy chay đối với các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, các kỹ năng kinh doanh, marketing tiêu thụ sản phẩm cho hội viên của các cấp Hội và các chủ thể sản phẩm.

2. Tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, không phân biệt sản xuất để ăn với để bán.

3. Hướng dẫn tập huấn áp dụng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản an toàn cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh:

- Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu dùng thực phẩm an toàn; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia thực phẩm…; vận động áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và Quốc tế.

- Hướng dẫn, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như:

+ Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.

+ Liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn theo chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng đến giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Xây dựng, nhân rộng các mô hình nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

[...]