Chương trình phối hợp 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN năm 2021 về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành

Số hiệu 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN
Ngày ban hành 13/10/2021
Ngày có hiệu lực 13/10/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Chính phủ,Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam,Hội Nông dân Việt Nam
Người ký Vũ Đức Đam,Hà Thị Nga,Lương Quốc Đoàn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

CHÍNH PHỦ - HỘI NÔNG DÂN
VIỆT NAM - HỘI LIÊN HIỆP
PHỤ NỮ VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững. Từ năm 2017, Chính phủ đã cùng Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Việc thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2017-2020 đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bà con nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, góp phần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm nhất là trong bối cảnh số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trên toàn quốc còn rất lớn, phần lớn là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu; việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn còn gặp khó khăn, chưa bền vững.

Để phát huy những kết quả đạt được của Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất triển khai Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”.

I. MỤC ĐÍCH

1. Nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn; xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với sản xuất để bán.

2. Thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế vì sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

3. Phát huy vai trò các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

4. Kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2025

1. 100% cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ nông lâm thủy sản ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Loại trừ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với để bán;

2. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, nhân rộng mô hình của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm cho 100% các sản phẩm chủ lực tại địa phương theo tiêu chuẩn quốc tế;

3. 100% cấp Hội cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

III. ĐỐI TƯỢNG

1. Các tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm; tập trung vào các hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm.

2. Các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

IV. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn. Phổ biến về yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu nông lâm thủy sản. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

2. Tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ nông lâm thủy sản ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, không phân biệt sản xuất để ăn với để bán.

3. Vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế; chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm; chuỗi giá trị nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho các sản phẩm chủ lực của địa phương theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, các kỹ năng kinh doanh, marketing tiêu thụ sản phẩm... cho hội viên kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

4. Hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mô hình thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản quy mô hộ gia đình sản xuất làm chủ, an toàn, chất lượng quốc tế, chủ động kết nối phát triển thị trường. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các sàn giao dịch thương mại, hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

5. Hỗ trợ cho các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về an toàn thực phẩm.

6. Phát hiện, kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến; đấu tranh, lên án các hành vi, các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn.

V. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối triển khai Chương trình phối hợp và chịu trách nhiệm thực hiện:

a) Chủ trì, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nội dung được phân công trong chương trình phối hợp.

b) Chủ trì biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn; tài liệu hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn; yêu cầu, tiêu chuẩn của một số thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản của Việt Nam.

c) Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn về an toàn thực phẩm cho các cấp Hội.

[...]