Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội đã được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 21/03/2022
Ngày có hiệu lực 21/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐƯỢC CHỈ RA SAU HỘI NGHỊ KIỂM ĐIỂM NĂM 2021

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến thể Delta lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Khắc phục khó khăn do dịch bệnh, Thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát với các kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tuy nhiên, có 04 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế không hoàn thành: (1) Tăng trưởng GRDP tăng 2,92% (kế hoạch đề ra là 7,5%); (2) GRDP bình quân đầu người đạt 128,2 triệu đồng, thấp hơn kế hoạch đề ra là 135 triệu đồng; (3) Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội không đạt kế hoạch (giảm 0,8%; kế hoạch đề ra là tăng 10%); (4) Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,9% (kế hoạch đề ra là 5%).

Với tinh thần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; với tinh thần tự phê bình và phê bình, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã thẳng thắn, cầu thị và chỉ ra các nhóm tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố “Kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng tăng thấp hơn kế hoạch và thấp nhất từ trước tới nay. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước chưa đạt như kỳ vọng. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký”.

Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về tăng trưởng kinh tế đã được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế: “Kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng tăng thấp hơn kế hoạch và thấp nhất từ trước tới nay. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước chưa đạt như kỳ vọng. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký”.

2. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung hợp lý.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu: Phục hồi tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường và bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế; Duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp.

2. Chỉ tiêu:

(1) Tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 7,0-7,5%, trong đó: Dịch vụ tăng 7,1-7,7%; Công nghiệp tăng 7,3-7,8%; Xây dựng tăng 10,2-10,6%; Nông nghiệp tăng 2,5-3,0%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,5% (Cụ thể có biểu phụ lục kèm theo);

(2) GRDP/người năm 2022 từ 139-141 triệu đồng;

(3) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 tăng 10%;

(4) Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 5%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND Thành phố thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 01/11/2021 của UBND Thành phố phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023; bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

2. Phục hồi tăng trưởng kinh tế

2.1. Ngành dịch vụ

2.1.1. Thương mại

a) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã:

- Thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Năm 2022, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển mới 03 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành bán buôn, bán lẻ tăng từ 7,4-8%.

- Tập trung phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển như mô hình Outlet, máy bán hàng tự động; Phát triển 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội.

- Thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố...

- Tổ chức các phiên chợ Việt và chuyến bán hàng Việt tại các khu, cụm công nghiệp góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, cung - cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố.

- Thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở bảo mật, an toàn thông tin; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng. Phấn đấu doanh số thương mại điện tử chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

b) Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: Tăng cường quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái và không để lợi dụng tăng giá, đặc biệt một số mặt hàng thiết yếu (thiết bị y tế phòng chống dịch, xăng dầu...).

[...]