Kế hoạch 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 246/KH-UBND
Ngày ban hành 01/11/2021
Ngày có hiệu lực 01/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 246/KH-UBND

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRONG QUÝ IV/2021 VÀ CÁC NĂM 2022, 2023

Ngay đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố; các nghị quyết của Chính phủ: số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch bệnh COVID-19, UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đánh giá và dự báo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19:

- Do nguồn lây nhiễm vẫn còn ẩn khuất trong cộng đồng; Hà Nội là Thủ đô, nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước rất cao. Ngoài ra, với mật độ dân số đông và số người tiêm đủ mũi vắc-xin chưa đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng nên nguy cơ dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố vẫn khá cao.

- Thành phố đang tích cực triển khai tiêm đủ mũi 2 cho các đối tượng nằm trong độ tuổi tiêm chủng và đã đến lịch tiêm trả mũi. Nếu tiến độ phân bổ vắc xin được đảm bảo, dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ tiêm đủ mũi vắc-xin cho người trên 18 tuổi.

2. Tình hình phát triển kinh tế

2.1. Trước năm 2021

- Trước năm 2020, khi đại dịch COVID-19 chưa diễn ra, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, GRDP giai đoạn 2016-2019 trung bình tăng 7,38%/năm - trong khung kế hoạch 5 năm 2016-2020.

- Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, GRDP tăng 4,18%; trung bình 5 năm 2016-2020 tăng 6,73%/năm. Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8,0%. Kế hoạch năm 2021 đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,5%.

2.2. Tình hình 9 tháng đầu năm 2021

2.2.1. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí,... suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020:

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước giảm 31,8%, và lũy kế 9 tháng giảm 9,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 ước giảm 1,2%; lũy kế 9 tháng giảm 4,8%.

- Hoạt động công nghiệp, xây dựng tháng 7 giảm nhẹ so cùng kỳ, sang tháng 8 và 9 giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 ước tăng 6,13%; 9 tháng giảm 7,79%.

- Khách du lịch quốc tế tháng 9 ước giảm 52%; lũy kế 9 tháng giảm 82,6%. Khách du lịch trong nước tháng 9 giảm 80%; lũy kế 9 tháng giảm 23,7%.

- Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 7 giảm 2,7%, tháng 8 giảm 29,9%, tháng 9 giảm 28,3%; lũy kế 9 tháng giảm 1,8%.

- Trong 9 tháng đầu năm, có 17.328 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 12%) với số vốn đăng ký 232.266 tỷ đồng (giảm 10%), 2.243 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 22%), 9.778 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 12%).

- Tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp. Chi đầu tư phát triển 9 tháng đầu năm 2021 đạt 36% dự toán Trung ương, bằng 80,5% so với cùng kỳ năm 2020.

- GRDP quý III giảm sâu 7,02%. Do quý I tăng 5,17%, quý II tăng 6,49% nên lũy kế 9 tháng GRDP tăng 1,28% - mức thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 (tăng 7,5%) dự báo không thể hoàn thành.

2.2.2. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gặp một số khó khăn:

- Các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn Thành phố cũng như trong cả nước.

- Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng và các công trình xây dựng có nhiều biến động.

- Thiếu nguồn cung lao động do lao động về quê, lao động vướng việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất.

- Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh...

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

[...]