Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2024 thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 12/08/2024
Ngày có hiệu lực 12/08/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phan Văn Mãi
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2025

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện quán triệt, triển khai thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp:

1. Mục tiêu phấn đấu:

(1) Đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 từ 8 - 8,5%;

(2) Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%;

(3) Chỉ số PCI, Par-Index, phấn đấu đạt trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước đến cuối năm 2025;

(4) Đạt tổng diện tích nhà ở đạt từ 40 triệu mét vuông trở lên (chỉ tiêu Đại hội là 50 triệu mét vuông) và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội (theo chỉ tiêu Chính phủ giao);

(5) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%; trong đó 04 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng, với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; Kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 10% so với năm 2023;

(6) Tỷ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế đạt 80% trở lên; phát triển ít nhất 150ha đất công viên cây xanh;

2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

2.1. Thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư

2.1.1 Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện: (1) Phát huy hiệu quả cơ chế hoạt động Ban chỉ đạo, thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các dự án, công trình đầu tư công trên địa bàn Thành phố; (2) Giải pháp huy động vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển phấn đấu thu hút đạt 394 ngàn tỷ đồng năm 2024, đạt 422 ngàn tỷ đồng năm 2025; trình Ủy ban nhân dân Thành phố trong tháng 8 năm 2024.

2.1.2. Giao Ban quản lý các Khu công nghiệp và khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố chủ trì, phối hợp: Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy khởi công các dự án đã được Thành phố cấp chủ trương đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistic, công nghệ số kết hợp nghiên cứu và phát triển. Tập trung giải pháp để thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 50 đến 70 ngàn tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2025.

2.1.3. Giao Sở Công Thương khẩn trương tham mưu hoàn thiện và triển khai: Đề án sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

2.1.4. Giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố chủ trì, phối hợp: (1) Duy trì tăng trưởng tín dụng bền vững; tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; (2) Thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và cải cách hành chính; (3) Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội.

2.2. Thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và Chương trình bình ổn thị trường

2.2.1. Giao Sở Tài chính chủ trì: (1) Đảm bảo hoàn thành kế hoạch mua sắm công năm 2024; (2) Đảm bảo chi cho an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; (3) Khuyến khích chi duy tu, bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và chi khoa học công nghệ và công nghệ thông tin.

2.2.2. Giao Sở Công Thương chủ trì triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa; trong đó tập trung: (1) Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng giao thương trực tiếp tại hội chợ, giao thương trực tuyến qua môi trường sàn triển lãm trực tuyến; (2) Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mãi; (3) Chuẩn bị và thúc đẩy sớm các chương trình bình ổn giá và an sinh xã hội, đặc biệt là cần kết hợp trong chương trình bình ổn giá bằng hình thức cả trực tiếp và trực tuyến; gắn kết với chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hàng Việt Nam chất lượng cao; (4) Tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025; (5) Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ[1]; (6) Tham mưu thành lập Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

2.2.3. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp: (1) Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực; nhằm kéo dài thời gian lưu trú du khách nước ngoài, khuyến khích tăng chi tiêu của du khách; (2) Hoàn thiện chuỗi lễ hội, sự kiện hằng năm của Thành phố; chuẩn bị chu đáo các sự kiện quan trọng cuối năm gắn với các chương trình mua sắm, kích cầu; nhằm từng bước xây dựng bài bản chiến lược quảng bá thương hiệu điểm đến của Thành phố, tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả: (i) Chương trình kích cầu du lịch năm 2024; (ii) Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024; (iii) Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2024; (iv) Giai đoạn 1 (2023 - 2025) của Chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030; (v) Chương trình khuyến khích và huy động nguồn lực phát triển du lịch Thành phố; (vi) Chương trình xây dựng Thương hiệu du lịch Thành phố; (vii) Chương trình xây dựng và quản lý tiêu chuẩn du lịch Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; (viii) Ứng dụng mô hình thực tế ảo mô tả các điểm tham quan nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh và 62 tỉnh, thành phục vụ yêu cầu quảng bá du lịch, phát huy vai trò trung tâm du lịch của Thành phố trong phát triển liên kết vùng.

2.3. Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

2.3.1. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Hải quan Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, thúc đẩy xuất nhập khẩu, tập trung vào các giải pháp: (1) Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các FTA, thông tin về thị trường quốc tế, mặt hàng xuất, nhập khẩu; (2) Xây dựng dữ liệu về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2166/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Danh mục dữ liệu mở; (3) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường; (4) Tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

2.3.2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án Trung tâm Logistics; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ đối với từng nội dung khó khăn, vướng mắc phù hợp theo quy định hiện hành trước ngày 30 tháng 4 năm 2025.

2.3.3. Giao Cục Hải quan Thành phố: (1) Xây dựng và thực hiện Chương trình Hải quan - Doanh nghiệp - đối tác tin cậy cùng phát triển (Phối hợp Tổng Lãnh sự quán, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế, sở ban ngành có liên quan); (2) Chương trình Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về Hải quan.

2.4. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

2.4.1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư cho khoa học và công nghệ: (1) Thúc đẩy hình thành các Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE) của Thành phố; (2) Thúc đẩy việc trích và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp, trước mắt là doanh nghiệp nhà nước; (3) Nghiên cứu xây dựng các mô hình xã hội hóa, hợp tác công tư thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, triển khai kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (4) Hoàn thành Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; (5) Triển khai các hoạt động hỗ trợ, sự kiện, kết nối các thành phần hệ sinh thái tại Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (6) Rà soát, tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức khoa học công nghệ theo hướng trở thành tổ chức thành viên của Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo Thành phố trong giai đoạn 2025 - 2030; (7) Định hướng phát triển công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và phát triển bền vững tại Trung tâm Công nghiệp 4.0.

2.4.2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 2649/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời triển khai nội dung công việc theo Thông báo kết luận số 169/TB-BTTTT ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung thống nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2.4.3. Giao Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh: (1) Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, triển lãm, cuộc thi về công nghệ tài chính (Fintech) tại thành phố; (2) Thực hiện chuỗi kết nối giữa cộng đồng Fintech, các ngân hàng Việt Nam với cộng đồng Fintech Đông Nam Á; tổ chức diễn đàn để kết nối giữa các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp và các nhà nghiên cứu; (3) Tiếp tục phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố.

[...]