Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 26/05/2020
Ngày có hiệu lực 26/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 26 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THÔNG TIN QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thông tin trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng chiến lược phát triển ngành thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông1, phát triển thông tin truyền thông trở thành một nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực quản lý điều hành và tác nghiệp, thống nhất nội dung và phương thức thực hiện tuyên truyền, bảo đảm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ.

2. Yêu cầu

Hoạt động thông tin truyền thông được thực hiện theo chương trình, kế hoạch. Kết hợp chặt chẽ các loại hình thông tin, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; thông tin phải chính xác, chủ động, kịp thời, làm tốt việc dự báo, định hướng, phát triển xã hội, bảo đảm tính tích cực, tính giáo dục, tính nhân văn, tính phản biện và tính chiến đấu, phù hợp với lợi ích của Nhân dân.

Tổng hợp, tích hợp dữ liệu làm nền tảng cho công tác quản lý và khai thác thông tin truyền thông về tỉnh Lạng Sơn; bảo đảm khả năng kết nối và trích xuất dữ liệu từ hệ thống dữ liệu công và một số hệ thống thông tin xã hội, thông tin chuyên ngành khác phục vụ công tác quản lý xã hội, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tăng cường đầu tư, phát triển lĩnh vực thông tin truyền thông đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hình thành “hệ sinh thái truyền thông số” hỗ trợ các thành phần kinh tế - xã hội phát triển.

- Đẩy mạnh thông tin truyền thông những hình ảnh đẹp, đặc sắc về Lạng Sơn trong thời kỳ mới. Tăng cường thông tin tích cực, hạn chế tối đa thông tin tiêu cực.

- Từng bước đưa các hoạt động thông tin điện tử; báo chí, phát thanh, truyền hình; xuất bản; thông tin cơ sở; quảng cáo đi vào nền nếp, tuân thủ quy định của pháp luật. Tăng cường năng lực quản lý, điều hành và tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động thông tin và truyền thông.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Về báo chí, phát thanh, truyền hình

- Thực hiện theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Chủ động, tăng cường thông tin tích cực trên báo chí, giảm thông tin tiêu cực.

- 100% người dân trên địa bàn tỉnh được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương.

- Phấn đấu 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến.

- Bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong tỉnh của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình trong nước, nước ngoài tập trung vào tin thời sự, khoa học, kỹ thuật, thể thao giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh địa phương.

b) Về thông tin điện tử

- 100% cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố sử dụng cổng/trang thông tin điện tử để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương.

- 100% các trang tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng Internet đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng.

- 100% các cơ quan hành chính nhà nước có trang thông tin điện tử thích ứng với các thiết bị di động, dễ dàng tra cứu, kết nối với các dịch vụ do Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước cung ứng; được áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thông tin, an toàn thông tin; có công cụ thu thập dữ liệu để kết nối với hệ thống tích hợp dữ liệu truyền thông.

- 100% các trang thông tin điện tử cung cấp các thông tin cần thiết về cơ quan, tổ chức trên trang chủ theo quy định của pháp luật.

c) Về xuất bản

[...]