Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 55/KH-UBND
Ngày ban hành 14/05/2019
Ngày có hiệu lực 14/05/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THÔNG TIN QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 1497/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Phát triển hệ thống thông tin của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ, thông tin, truyền thông, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Kết hợp chặt chẽ các loại hình thông tin, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Tuyên Quang đến bạn bè trong nước và quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

- Tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định an ninh Quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

- Phát triển hệ thống thông tin của tỉnh phải dựa trên cơ sở Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

- Hoạt động thông tin và các loại hình thông tin trên địa bàn tỉnh phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

- Kiện toàn, sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan theo hướng hiện đại.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác thông tin, vững vàng về chính trị, tư tưởng, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với từng loại hình thông tin.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Về Báo chí, Phát thanh, Truyền hình:

- Sắp xếp đầu mối các cơ quan báo chí trong tỉnh theo Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

- Phấn đấu 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến.

- Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- 100% người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được tiếp cận báo in hoặc báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; 70% người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; 100% dân số các vùng còn lại được nghe, xem các chương trình này.

- Phấn đấu tăng thời lượng phát sóng của các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương. Bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong tỉnh của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình trong nước, nước ngoài tập trung vào tin thời sự, khoa học, kỹ thuật, thể thao giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh địa phương.

b) Về Thông tin điện tử:

- 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố) sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương.

- 100% các trang tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng Internet đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng.

[...]