Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 8576/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 8576/KH-UBND
Ngày ban hành 24/12/2021
Ngày có hiệu lực 24/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Trúc Sơn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8576/KH-UBND

Bến Tre, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2025

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2020 MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ 05 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Kết quả đạt được

Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng Khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình), với phương châm “năng động - đổi mới - sáng tạo” và sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đến nay, đã đạt được nhiều kết quả khả quan tạo sự lan tỏa và tác động tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà, tạo diện mạo hoàn toàn mới về một chính quyền năng động, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm hoạt động, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã tạo nền tảng về sự chuyển biến nhận thức, tạo được tiền đề cơ bản để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp và hộ kinh doanh tăng về số lượng và chất lượng, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ngày càng được củng cố, phát triển1; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động2. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan, tổng vốn thu hút đầu tư (kể cả trong nước và FDI) tăng mạnh so với giai đoạn trước; công tác rà soát, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư được thực hiện tốt, cùng với việc thực hiện nhất quán chính sách của trung ương đã tạo thuận lợi và thu hút được các nhà đầu tư đến với tỉnh. Các kết quả này góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh; Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân tăng khoảng 5,18%/năm; thu ngân sách ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 20.804 tỷ đồng, đạt 130,84% chỉ tiêu Nghị quyết. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thông thoáng, thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm các địa phương quản lý điều hành tốt3.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được khá quan trọng, việc triển khai thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 cũng còn một số hạn chế, tồn tại như:

- Đối với các ngành, các cấp, địa phương: sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa đồng bộ nên chưa mang lại hiệu quả cao; công tác truyền thông khởi nghiệp chưa đa dạng; công tác vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp đôi lúc thiếu sự thường xuyên liên tục, kết quả đạt thấp so với mục tiêu đề ra; chưa có nhiều mô hình giáo dục khởi nghiệp được triển khai trong thực tế; kiến thức, kỹ năng một bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp chưa đáp ứng kịp sự phát triển của khởi nghiệp, khả năng đổi mới sáng tạo trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ còn kém.

- Phát triển doanh nghiệp: số lượng doanh nghiệp tăng nhưng quy mô và mức đóng góp của doanh nghiệp còn khá thấp so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chính sách cho phát triển các loại hình doanh nghiệp còn dàn trải và theo chiều rộng, chưa có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù thật sự khác biệt và nổi bật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chưa hình thành được những doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt để phát triển; chưa hình thành được cụm liên kết ngành, số lượng và mức độ tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ số hiện rất ít, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp; các doanh nghiệp sản xuất chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ mới nhằm cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm.

- Các đơn vị phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp: Mạng lưới Cố vấn Khởi nghiệp tỉnh (Mentor) mới hình thành nên chưa có nhiều hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp; đội ngũ chuyên gia, cố vấn chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp/chuyên gia có nhiệt huyết với chương trình. Quỹ đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre chưa có cơ chế rõ ràng (cho vay, đầu tư) đã ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận hỗ trợ vốn của doanh nghiệp; hoạt động của các câu lạc bộ khởi nghiệp và câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu còn mang tính thời điểm.

- Các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp: thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp kết quả chưa cao, còn dàn trải; điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực hỗ trợ các dự án/ý tưởng hiện thực hóa sản phẩm tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu nguồn lực để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Không gian đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub) chưa phát huy hết tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre. Hoạt động truyền cảm hứng, hỗ trợ khởi nghiệp trong trường học được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa được lan rộng và không đồng đều tại các trường, sức sáng tạo của học sinh, sinh viên chưa được phát huy tối đa. Việc gắn kết giữa các thành tố khởi nghiệp sáng tạo đôi khi còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác. Chất lượng các cuộc thi khởi nghiệp chưa thật sự được nâng cao, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho dự án đạt giải. Chưa khai thác triệt để các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ Trung ương.

- Hoạt động khoa học công nghệ: đóng góp khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội còn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu; việc nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo của cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh hạn chế; còn thiếu các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đủ sức lan tỏa. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động khoa học công nghệ còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ còn chưa tập trung. Doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận hàng hóa, công nghệ.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT CHƯƠNG TRÌNH ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025

Tiếp tục nỗ lực xây dựng tỉnh Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp”, đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số. Chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu sang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp bằng “trí tuệ” kết hợp sức mạnh “công nghệ” dựa trên “tài nguyên bản địa”. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo để bứt phá nhanh, bền vững.

Thúc đẩy phát triển mới 5.000 doanh nghiệp, phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu có tiềm lực về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý; tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng hiệu quả và tính toàn diện của các mô hình kinh doanh tiến tới phát triển kinh doanh bền vững. Xây dựng các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phấn đấu phát triển Không gian đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub) trở thành đơn vị tiên phong trong thực hiện các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre và khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Phần II

XÂY DỰNG TỈNH BẾN TRE THÀNH ĐỊA PHƯƠNG KHỞI NGHIỆP

I. MỤC TIÊU CỤ THỂ

- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vận hành hiệu quả, gắn kết giữa các thành tố: cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách, tài chính, thị trường và nguồn nhân lực.

- Phấn đấu đến năm 2025, phát triển ít nhất 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, thành lập và duy trì 100 Câu lạc bộ, đội nhóm khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tại địa phương và các trường Đại học, Cao đẳng.

- Hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp dẫn đầu; doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.

- Hình thành khu dịch vụ hỗ trợ tập trung gắn hỗ trợ khởi nghiệp và thí điểm các công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số.

- Phân hiệu Đại học quốc gia (ĐHQG) Thành phố Hồ Chí Minh, 100% các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh có kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Nâng cao hiệu quả các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp đảm bảo đồng bộ, kịp thời, đổi mới; tập trung nguồn lực để tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp có quy mô khu vực để thu hút được các doanh nghiệp lớn trong khu vực và cả nước tham gia tư vấn và đầu tư nguồn lực cho các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2021-2025 phối hợp tổ chức ít nhất 02 cuộc thi khởi nghiệp cấp vùng.

[...]