Kế hoạch 803/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 803/KH-UBND
Ngày ban hành 14/05/2020
Ngày có hiệu lực 14/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 803/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 14 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

- Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025;

- Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025;

- Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

- Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông;

- Kế hoạch số 1027/KH-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới;

- Công văn số 879/BGDĐT-CSVC ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

II. THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ DẠY HỌC GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG

1. Quy mô mạng lưới trường lớp

Toàn tỉnh có 578 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông bao gồm 186 trường mầm non, 193 trường tiểu học, 167 trường THCS (27 trường TH và THCS), 32 trường THPT (06 trường THCS và THPT); cấp học mầm non và phổ thông có 229.284 em (Mầm non: 59.622 cháu, Tiểu học: 82.551 em, THCS: 55.184 em, THPT: 31.953 em) với 7.733 nhóm/lớp (mầm non: 2.219 nhóm/lớp, Tiểu học: 3.112 lớp, THCS: 1.618 lớp, THPT: 784 lớp)

2. Thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học các cấp

- Toàn tỉnh có 7.084 phòng nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ và phòng học văn hoá; 1.068 phòng học bộ môn, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 86%; có 374 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64,6% (trong đó, Mầm non: 90/186 trường, đạt tỷ lệ 48,38%; Tiểu học: 170/194 trường, đạt tỷ lệ 87,6%; THCS: 99/166 trường, đạt tỷ lệ 59,64%; THPT: 15/33 trường, đạt tỷ lệ 45,45%). Tại khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học, nhà ở cho giáo viên miền núi tuy đã có tăng trưởng nhưng vẫn còn thiếu và lạc hậu; nhiều trường chưa đủ điều kiện để tổ chức bán trú cho cấp học mầm non; phòng học và các phòng chức năng phục vụ học 2 buổi/ngày cho các lớp học bán trú ở cấp tiểu học còn thiếu so với yêu cầu đặt ra; hệ thống phòng học bộ môn, nhà đa chức năng, phòng thiết bị, thư viện... còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đúng quy cách... Công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho học sinh tại nhiều trường mầm non và phổ thông đã xuống cấp, hư hỏng; nhiều điểm trường chưa có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh; đặc biệt nhiều trường, điểm trưởng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, nhà ở công vụ cho giáo viên còn tạm và thiếu, công trình nước sạch và vệ sinh trường học còn thiếu nhiều.

- Thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi được trang bị cho các trường mầm non và phổ thông hiện nay còn thiếu nhiều, hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 47% so với nhu cầu, nhất là thiết bị đồ chơi ngoài trời đối với cấp học mầm non. Một số thiết bị đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay đã hư hỏng, tiêu hao nhiều, nhiều thiết bị dạy học đã lạc hậu không thể tiếp tục sử dụng được; nhiều thiết bị dạy học đã quá hạn sử dụng. Ngoài ra do ảnh hưởng của các đợt thiên tai gây thiệt lớn, làm hư hỏng nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi.

- Thiết bị phòng học bộ môn của giáo dục phổ thông hiện tại đã cũ, hư hỏng nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; các thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu, thiết bị âm thanh phòng Lab phục vụ học ngoại ngữ, phòng máy vi tính và các phòng bộ môn khác chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tối thiểu.

- Ngoài ra, trong chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều môn học mới được bổ sung bắt buộc trong các cấp học như: Tin học và công nghệ lớp 3, 4, 5 ở cấp tiểu học, lớp 6, 7, 8, 9 ở cấp THCS; hoạt động trải nghiệm; giáo dục địa phương; môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Do đó, cần phải bổ sung thiết bị dạy cho các môn học mới theo yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

2.1. Giáo dục mầm non

- Về cơ sở vật chất trường học: Hiện có 1.970 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ, trong đó 1.343 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ kiên cố 68%; 555 phòng bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 28,1%; 97 phòng học tạm/nhờ, chiếm tỷ lệ 4,9%; Có 29 phòng giáo dục thể chất, đáp ứng 16,5% nhu cầu; 93 phòng giáo dục nghệ thuật; 315 nhà bếp, đáp ứng 76% nhu cầu; 616 nhà kho, đáp ứng 74% nhu cầu (chi tiết tại Phụ lục 01).

- Về thiết bị dạy học: Hiện có 1.924 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 244 bộ đồ chơi ngoài trời, 150 bộ thiết bị chuyên dùng khác. Nhìn chung, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đồ chơi ngoài trời phục vụ giáo dục mầm non còn thiếu, trang bị đã lâu, hư hỏng và xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học (trung bình đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tối thiểu), các thiết bị chuyên dụng khác như máy vi tính phục vụ công tác quản lý, máy chiếu, tivi, thiết bị âm thanh ở các trường, các điểm trường khu vực miền núi, các khu vực kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu nhiều (chi tiết tại Phụ lục 06).

2.2. Giáo dục tiểu học

- Về cơ sở vật chất trường học: Hiện có 2.967 phòng học văn hóa, trong đó có 2.952 phòng học kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 82,6%; 481 phòng học bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 16,2%; vẫn còn 38 phòng học tạm (phòng học đã xuống cấp), chiếm tỷ lệ 1,2%.

Có 424 phòng học bộ môn (bao gồm phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng ngoại ngữ; bình quân đạt 1,62 phòng/trường, 0,12 phòng/lớp); có 72 trường tiểu học chưa có phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, nhiều trường tiểu học chưa có phòng học Tin học; có 172 phòng Thư viện, 13 phòng hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập (chi tiết tại Phụ lục 02).

- Về thiết bị dạy học: Thiết bị phòng học bộ môn cấp tiểu học chủ yếu là thiết bị dạy học ngoại ngữ, giáo dục thể chất, âm nhạc và thiết bị dạy học Tin học. Hiện tại thiết bị dạy học bộ môn, bàn ghế rời hai chỗ ngồi và thiết bị dạy học tối thiểu các lớp chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; các thiết bị chuyên dụng khác phục vụ dạy học như máy tính phục vụ công tác quản lý, máy chiếu, thiết bị âm thanh phòng Lab phục vụ học ngoại ngữ, phòng máy vi tính chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tối thiểu. Giáo dục Tiểu học toàn tỉnh trong thời gian tới cần tăng cường trang bị các thiết bị phòng tin học, ngoại ngữ, thiết bị bàn ghế học sinh 02 chỗ ngồi và thiết bị dạy học tối thiểu để đáp ứng yêu cầu dạy và học (chi tiết tại Phụ lục 07).

2.3. Giáo dục trung học cơ sở (THCS)

[...]