Kế hoạch 80/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, năm 2023

Số hiệu 80/KH-UBND
Ngày ban hành 14/04/2023
Ngày có hiệu lực 14/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG, NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 394/QĐ-BNN-CLCB ngày 01/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về việc ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023; Quyết định số 597/QĐ-UBND ngày 20/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022 -2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh nông sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được đánh giá xếp loại A, B tăng lên 90% (năm 2022 đạt 85%); tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ được ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 85% (năm 2022 đạt 52,4%).

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định về ATTP giảm 10% so với năm 2022.

- Diện tích về trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022.

- Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022.

- 100% các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, Chương trình công tác được hoàn thành theo Kế hoạch.

- 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được bồi dưỡng, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách đã ban hành trên địa bàn tỉnh tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, chất lượng, bền vững.

2. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

3. Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kiểm tra ký cam kết theo quy định.

4. Chủ động giám sát, cảnh báo, thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP.

5. Chủ động kịp thời xử lý sự cố ATTP, mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và Quốc tế.

(Nội dung chi tiết và phân công tại Phụ lục đính kèm)

IV. NGUỒN KINH PHÍ

1. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp, kinh phí tại các cơ quan đơn vị địa phương lồng ghép từ các Chương trình dự án khác.

2. Kinh phí huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang và các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương tuyên truyền các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm đã được xác nhận an toàn; các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định, Thông tư của các bộ, ngành có liên quan đến an toàn thực phẩm cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và các cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

[...]