Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2023 về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 228/KH-UBND
Ngày ban hành 11/09/2023
Ngày có hiệu lực 11/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2023 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Quyết định 426/QĐ-TTg, ngày 21/4/2023 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW; Chương trình hành động số 26-CTr/TU, ngày 27/3/2023 của Thành ủy về Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW; Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL, ngày 14/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”. UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Bảo đảm an ninh, chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản chính là duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm nông lâm thủy sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thuộc Thành phố, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

- Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ trong chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản.

- Huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, ATTP. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu HĐND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn Thành phố nhằm phát triển sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP, thân thiện với môi trường. Đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

b) Mục tiêu cụ thể

• Giai đoạn 2023 - 2025

- Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm.

- Phấn đấu 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

- Phấn đấu tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm.

- Phấn đấu tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.

- Phấn đấu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phấn đấu tỷ lệ thực phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chiếm 40% tổng sản lượng thực phẩm nông lâm thủy sản được tiêu thụ trên địa bàn Thành phố.

- Ổn định, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Thành phố và cấp quận, huyện thực hiện công tác quản lý chất lượng, ATTP, chế biến, phát triển thị trường nông lâm thủy sản của Thành phố. 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp được đào tạo, tập huấn, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ hàng năm.

• Giai đoạn 2026 - 2030

- Duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm.

- Duy trì 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc được cấp giấy chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

- Phấn đấu tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm.

- Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.

- Phấn đấu tỷ lệ thực phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chiếm 70% tổng sản lượng thực phẩm nông lâm thủy sản được tiêu thụ trên địa bàn Thành phố.

[...]