Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 80/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 80/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2021
Ngày có hiệu lực 05/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 05 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030; Công văn số 555/LĐTBXH-BTXH ngày 03/3/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

1. Công tác chỉ đạo

Thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 411/QĐ-UBND ngày 22/3/2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 28/11/2016 thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020. Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án, hàng năm UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

2. Kết quả thực hiện

Trong giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện Đề án trong bối cảnh chưa có kinh nghiệm thực tiễn về phát triển nghề công tác xã hội, qua 8 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:

2.1. Công tác truyền thông

- Thực hiện nâng cao nhận thức nghề công tác xã hội, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh đã phối hợp xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm tốt định hướng tuyên truyền trên địa bàn tỉnh, kết quả đã xây dựng chuyên mục “Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên Cổng thông tin điện tử tỉnh”; biên tập và in 8.025 quyển tài liệu Hệ thống các văn bản Đề án phát triển nghề công tác xã hội; 2.200 tờ rơi về các hình ảnh, nội dung hoạt động về công tác xã hội cung cấp cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trên địa bàn về nghề công tác xã hội.

- Thực hiện nâng cao nhận thức về Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011 - 2020”, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, thông qua các kênh thông tin chính là: website của cơ sở y tế và trang fanpage hoặc trên trang Facebook của cơ sở y tế, thường xuyên đăng tải thông tin về hoạt động của cơ sở y tế như các thành công trong cấp cứu, khám chữa bệnh; những tiến bộ kỹ thuật đang được triển khai và áp dụng tại cơ sở y tế; cung cấp thông tin, kiến thức về sức khỏe, đăng tải thông tin về các chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh, đến hoạt động của cơ sở y tế; thành lập Phòng Công tác xã hội, tổ Công tác xã hội trực tiếp phụ trách công tác truyền thông; đồng thời tư vấn, truyền thông trực tiếp tới người bệnh các vấn đề liên quan đến thủ tục, chính sách bảo hiểm, trả lời thắc mắc cho người bệnh… Việc truyền thông bằng hình ảnh, âm thanh và video về sức khỏe đời sống được cập nhật thường xuyên trên các màn hình ti vi đặt tại Khoa Khám bệnh và một số khoa, đến nay đã có hàng trăm chuyên mục về sức khỏe và đời sống được truyền thông vào thứ hai hàng tuần qua kênh phát thanh của cơ sở y tế; phối hợp với một số xã, phường, thị trấn tổ chức truyền thông các dịch vụ y tế đặc biệt là dịch vụ y tế vượt tuyến, tuyên truyền điều trị nghiện các chất dang thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; phát hơn 600 tờ rơi với nội dung giới thiệu, quảng bá hình ảnh, dịch vụ y tế… tới cộng đồng; phối hợp với một số trường học tham gia định hướng nghề nghiệp cho học sinh và giới thiệu nghề nghiệp thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia...

2.2. Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên

a) Đào tạo ngắn hạn

Từ năm 2012 đến năm 2020 toàn tỉnh tổ chức tập huấn kĩ năng công tác xã hội cho 1.768 lượt cán bộ đang làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó bao gồm: 914 cán bộ công chức, viên chức, cán bộ văn hóa xã hội làm công tác xã hội tại các đơn vị của tỉnh, huyện, xã; 854 cán bộ là đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội, gồm các cán bộ đang giữ chức vụ là các Phó Chủ tịch Hội phụ nữ, Phó Bí thư đoàn, Hội Nông dân, Cựu chiến binh… cấp xã. Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các học viên được nâng cao kiến thức về nghề công tác xã hội, bước đầu nắm bắt được nghiệp vụ cơ bản về nghề công tác xã hội, từ đó giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội trên địa bàn tỉnh dần đáp ứng với nhu cầu công tác xã hội hiện nay.

b) Đào tạo dài hạn

Liên kết với Trường Đại học Lao động - Xã hội tuyển sinh và mở 01 lớp Đại học hệ vừa làm vừa học ngành Công tác xã hội thời gian đào tạo 4,5 năm cho 69 cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã (trong đó có 52 học viên đã được hỗ trợ học phí từ nguồn kinh phí Trung ương giao hàng năm, với mức hỗ trợ là 4.000.000 đồng/học viên/năm). Năm 2018 lớp đã hoàn thành khóa đào tạo và tốt nghiệp 100%, được Trường Đại học Lao động - Xã hội cấp bằng đại học ngày 20/10/2018.

2.3. Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội

a) Phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội lĩnh vực lao động xã hội

Giai đoạn 2012 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, gồm:

- Thành lập Trung tâm Điều dưỡng người có công có chức năng tổ chức tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng người có công với cách mạng và thực hiện chế độ, chính sách, tiêu chuẩn đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công; thực hiện công tác điều dưỡng tập trung đối với trường hợp nguyên là cán bộ lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ.

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các Trung tâm có chức năng thực hiện công tác xã hội của các đơn vị, cụ thể:

+ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lạng Sơn đổi thành Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn có chức năng tư vấn học nghề, việc làm, chính sách, pháp luật lao động cho người lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ về dịch vụ việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp; kết nối, điều tiết hệ thống thông tin thị trường lao động và dự báo thị trường lao động...

+ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Lạng Sơn đổi thành Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Lạng Sơn có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện, phòng, chống tái nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý.

+ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đổi thành Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất cho đối tượng theo quy định.

b) Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội lĩnh vực y tế

Các hoạt động công tác xã hội trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong những năm trước con đơn giản, thiếu đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Các hoạt động chủ yếu có tính nhân đạo, từ thiện, do các phòng chức năng kiêm nhiệm. Do chưa có bộ phận chuyên trách nên hoạt động công tác xã hội trong các cơ sở y tế thiếu sự điều phối chung. Hoạt động tiếp nhận hỗ trợ từ cộng đồng còn thụ động, riêng lẻ, chủ yếu là thụ động tiếp nhận từ phía nhà hảo tâm.

[...]