Kế hoạch 7614/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 7614/KH-UBND
Ngày ban hành 07/11/2023
Ngày có hiệu lực 07/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7614/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 106/NQ-CP NGÀY 18/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai và cụ thể những nội dung trong Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân để đưa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể vào cuộc sống.

- Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu

- Hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình số 21-CTr/TU ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 8560/KH-UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

- Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, nhất quán của UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp; sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là Mặt trận, đoàn thể và tăng cường sự giám sát của Nhân dân.

- Xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành đảm bảo tính chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, cơ chế, chính sách gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 như sau:

- Số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 50% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên toàn tỉnh. Củng cố, phát triển các hợp tác xã hoạt động trung bình để đạt tiêu chí hợp tác xã hoạt động tốt, khá; đồng thời, xử lý giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động lâu ngày.

- Xây dựng ít nhất 05 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.

- Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 30% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp.

- Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 5%/năm; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trên 30% chủ thể là HTX nông nghiệp có sản phẩm đăng ký chương trình OCOP.

- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu 15% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

- Có khoảng 20% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp.

- Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương.

a) Nội dung

- Tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 05 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế và tổ chức cung cấp dịch vụ logistics của HTX nông nghiệp.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ khuyến nông, chuyên gia nghiên cứu, cơ sở đào tạo tham gia tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

b) Cơ quan tham mưu, thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Liên Minh HTX tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lựa chọn tối thiểu 05 HTX nông nghiệp để hỗ trợ, đầu tư xây dựng mô hình.

2. Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp

[...]