Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 2967/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 2967/KH-UBND
Ngày ban hành 31/10/2023
Ngày có hiệu lực 31/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Trung Thảo
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2967/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 31 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 106/NQ-CP NGÀY 18/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Nghị quyết 106/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ.

- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ phải được tổ chức đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ.

- Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025

1. Mục tiêu chung: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số lượng HTX nông nghiệp đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng ít nhất 05 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 1,5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; sản phẩm đặc sản của địa phương.

- Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 20% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia thành viên HTX nông nghiệp.

- Phấn đấu giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 10% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

- Phấn đấu có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát) được đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp.

- Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển HTX nông nghiệp, các chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình hành động sô 17-CTr/TU ngày 15/12/2022 của Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch hành động số 436/KH-UBND ngày 01/3/2023 của Ủy ban dân dân tỉnh đến các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên chỉ đạo, triển khai thực hiện.

- Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến, các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, từng bước khẳng định HTX là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, phí, lệ phí, chính sách tín dụng, chính sách khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

2. Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh

- Tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 05 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm. Ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực; sản phẩm, lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế và sản phẩm OCOP của tỉnh, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và tạo thị trường đầu ra ổn định, định hướng cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản.

[...]