Kế hoạch 440/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 440/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2023
Ngày có hiệu lực 11/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 440/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 106/NQ-CP NGÀY 18/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 2803/QĐ-BNN-KTKT ngày 12/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; tham mưu, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2423/SNN-PTNT ngày 29/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp trong Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ, các nhiệm vụ liên quan trong Quyết định số 2803/QĐ-BNN-KTKT ngày 12/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

1.2. Yêu cầu

Các sở, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX nông nghiệp tại kế hoạch này. Cụ thể hóa thành các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của ngành và địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình; bố trí, lồng ghép các nguồn kinh phí, các chương trình, kế hoạch có liên quan để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã ban hành.

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu chung

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng và giá trị của HTX nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; gắn với các sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khuyến khích phát triển các HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; HTX liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho HTX nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số.

Duy trì, nâng cao tỷ lệ, chất lượng của các HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, xếp loại tốt, khá; tăng cường củng cố và nâng chất lượng các HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu sang hoạt động tốt, khá.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Tăng tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động có tốt, khá, hiệu quả chiếm từ 80% trong tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh.

Xây dựng ít nhất 3 - 5 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh. Khuyến khích mỗi huyện tập trung nguồn lực tham gia xây dựng ít nhất 1 mô hình HTX nông nghiệp điển hình.

Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; tăng cường vận động hộ sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp, phấn đấu hàng năm tăng số lượng thành viên bình quân của HTX từ 10% - 15%.

Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 45 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp.

Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tổ chức và hoạt động, vai trò và vị trí của HTX nông nghiệp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX nông nghiệp

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; làm chủ thể sản phẩm OCOP, chủ sở hữu thương hiệu và kết nối sản xuất với tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý HTX nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HTX nông nghiệp; bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp. Tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở các địa phương khác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành, phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất.

[...]