Kế hoạch 7568/KH-UBND năm 2014 thực hiện Kế hoạch 162-KH/TU thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020” do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 7568/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2014
Ngày có hiệu lực 15/08/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7568/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 15 tháng 8 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 162-KH/TU NGÀY 31/12/2013 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21-NQ/TW NGÀY 21/11/2012 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ “TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”

Thực hiện Kế hoạch số 162-KH/TU ngày 31/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI

1. Thực trạng tình hình

Trong những năm qua, công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, số người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng, trong giai đoạn 2007 - 2013, bình quân mỗi năm số người tham gia tăng gần 137.000 người; việc giải quyết các chế độ trợ cấp và trả lương hưu cho đối tượng thụ hưởng BHXH được thực hiện kịp thời, quyền lợi BHYT và chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn; số thu -chi Quỹ BHXH, BHYT tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, trong đó số thu Quỹ giai đoạn 2007 - 2013 (từ khi có Luật BHXH) trên 25.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm thu gần 3.600 tỷ đồng), tăng 6,1 lần so với giai đoạn 2000 - 2006 và được quản lý, sử dụng đúng quy định, an toàn; số chi Quỹ BHXH, BHYT giai đoạn 2007 - 2013 trên 13.400 tỷ đồng (bình quân mỗi năm chi trên 1.910 tỷ đồng), tăng 3,3 lần so với giai đoạn 2000 - 2006. Tổ chức bộ máy về BHXH, BHYT của tỉnh từng bước được xây dựng, củng cố hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT.

2. Hạn chế, nguyên nhân

- Diện bao phủ BHXH, BHYT còn thấp. Quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT có thời điểm còn bất cập. Tình trạng vi phạm Luật BHXH và Luật BHYT khá phổ biến với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp, như trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH kéo dài; đóng không đủ số lao động thực tế làm việc tại doanh nghiệp, chia nhỏ mức lương của người lao động để tiền lương giảm xuống thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế làm căn cứ đóng BHXH… Tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT dưới nhiều hình thức khác nhau đã xảy ra ở một số cơ sở khám, chữa bệnh. Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa thực sự được chú trọng; việc xử lý những sai phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều thiếu sót; xử phạt vi phạm hành chính chưa hiệu quả do mức xử phạt còn nhẹ và thiếu kiên quyết, không đủ sức răn đe… dẫn đến tình trạng tái phạm và chậm khắc phục hậu quả, tính nghiêm minh của pháp luật không được bảo đảm và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng; Quỹ BHYT luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt; việc khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

- Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp chính quyền, một số ngành chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT còn nhiều hạn chế. Bộ máy BHXH, BHYT chưa được hoàn thiện và còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa chủ động tiếp cận với người lao động và người sử dụng lao động để vận động mở rộng đối tượng tham gia. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Nhận thức về nghĩa vụ và quyền lợi thực hiện BHXH, BHYT trong một bộ phận người lao động, chủ sử dụng lao động và người dân chưa được đầy đủ.

II. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tự giác tham gia BHXH, BHYT, hướng tới BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân trong thời gian tới.

- Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thành chương trình công tác của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực BHXH, BHYT; coi việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, của mỗi người dân.

 2. Yêu cầu

- Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể nhân dân cần quán triệt sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH, BHYT. Xem công tác BHXH, BHYT là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các cấp chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 162-KH/TU ngày 31/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị phải được tiến hành thường xuyên, thông qua các chương trình hay kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của các cấp chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch số 162-KH/TU ngày 31/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở các cấp chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để rút kinh nghiệm, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện BHXH đối với mọi người lao động, thực hiện BHYT toàn dân. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sử dụng, quản lý Quỹ BHXH, Quỹ BHYT hiệu quả, an toàn. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT. Xây dựng ngành BHXH ngày càng phát triển ổn định, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 40% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

b) Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 55% lực lượng lao động tham gia BHXH, 40% tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

c) Phát triển BHYT toàn dân theo các nhóm đối tượng đến cuối năm 2015 toàn tỉnh đạt trên 70% dân số tham gia BHYT. Cụ thể như sau:

- Nhóm 1: Tỷ lệ tham gia đạt 55%, gồm:

+ Người lao động, người quản lý doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức quy định tại Khoản 1, Điều 12 Luật BHYT.

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân.

[...]