ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 41/KH-UBND
|
Hậu Giang, ngày 22 tháng 5 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO
CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29
tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14
tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22
tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020.
Căn cứ Chương trình số 148-CTr/TU
ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ
Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, cụ thể
như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
Nâng cao nhận thức của các cấp, các
ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là
hai chính sách lớn trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm đời sống
cho người lao động, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của
tỉnh; đồng thời, nắm vững các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số
21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị và Chương trình số
148-CTr/TU ngày 18 tháng 3 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo
sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong toàn xã hội, để mọi người dân, người
lao động, người sử dụng lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh
và đất nước.
2. Yêu cầu:
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh,
UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 của Bộ Chính trị và Chương trình số
148-CTr/TU ngày 18 tháng 3 của Tỉnh ủy đến từng đơn vị; đưa tiêu chí dân số,
lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương.
Tổ chức học tập, quán triệt, triển
khai sâu rộng Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 của Bộ Chính trị và
Chương trình số 148-CTr/TU ngày 18 tháng 3 của Tỉnh ủy đến từng cơ quan, đơn vị;
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến
các cấp, các ngành và từng cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động, người lao
động trong các thành phần kinh tế, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn
nhằm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
II. NỘI DUNG:
1. Tuyên truyền
sâu rộng về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ
thống an sinh xã hội:
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai
chính sách xã hội quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị xã hội và phát triển
kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, trên 50% lao động thuộc các thành phần
kinh tế tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp,
trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời, khuyến khích người dân tham
gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tập trung đẩy mạnh công tác thông
tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo
hiểm thất nghiệp; thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người tham gia các
loại hình bảo hiểm theo nguyên tắc có đóng, có hưởng; khen thưởng những tổ chức,
cá nhân thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất
nghiệp; đồng thời, xử lý những đơn vị vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế theo quy định.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh,
UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ động phối
hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến
sâu rộng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế thông qua các hình thức phong
phú, đa dạng, nội dung phù hợp với trình độ dân trí từng đối tượng, từng vùng,
nhất là người dân sống ở các khu vực nông thôn.
3. Nâng cao vai
trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo thực
hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương và các đơn vị khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm
và từng giai đoạn cần phải tính toán, xác định chỉ tiêu người lao động tham gia
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; bố
trí ngân sách để đảm bảo thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân tại địa
phương.
4. Tăng cường
công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cấp, các
ngành:
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các sở, ban, ngành liên quan cần
xây dựng quy chế phối hợp liên ngành nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển
khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và bảo hiểm xã hội
các cấp trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra,
giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời
phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là trốn đóng bảo hiểm, nợ tiền bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các hành vi tiêu cực khác
liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
5. Công tác tổ chức thực hiện và quán triệt Nghị
quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 của Bộ Chính trị, Chương trình số 148-CTr/TU
ngày 18 tháng 3 của Tỉnh ủy cần phối hợp, lồng ghép với việc tổ chức thực hiện
Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị
liên quan khác.
III. KINH PHÍ:
1. Nguồn
ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện/thị xã/thành phố).
2. Nguồn
hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội:
Thường xuyên kiểm tra, rà soát các đối
tượng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp theo dõi, quản lý,
như: người có công với cách mạng, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người
cao tuổi, người nghèo, trẻ em dưới 06 tuổi... đảm bảo đúng đối tượng, không
trùng lắp và sai sót đối tượng; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện kịp
thời việc mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm đến tận tay các đối tượng.
Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành
có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và người sử dụng lao động.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử
lý các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế do Bảo
hiểm xã hội tỉnh cung cấp; định kỳ 06 tháng, một năm, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
kết quả thanh tra, kiểm tra xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác
quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của
các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
2. Bảo hiểm xã hội
tỉnh:
Phối hợp với Sở Tư pháp cùng các
ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền
thông về Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế đến các đơn vị sử dụng lao
động và người lao động trên địa bàn tỉnh và bằng nhiều hình thức thích hợp
khác.
Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện, thị
xã, thành phố thực hiện chi trả đúng, đủ và kịp thời các chế độ cho đối tượng
theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra việc trích nộp bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và việc thanh toán các chế độ bảo
hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động.
Hàng quý, thống kê danh sách các
doanh nghiệp và số nợ bảo hiểm xã hội chuyển cho Phòng Thanh tra (Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội) để kiểm tra và phạt theo quy định pháp luật; những doanh
nghiệp cố tình không khắc phục, cơ quan bảo hiểm xã hội làm hồ sơ khởi kiện ra
tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Định kỳ hàng quý, phối hợp với Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế báo cáo kịp thời việc thực hiện bảo hiểm
xã hội và bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, các đối tượng và các trường học
cho UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo; tham mưu kịp thời để UBND tỉnh kiến nghị với
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực
hiện để phù hợp với thực tiễn phát sinh trên địa bàn.
3. Sở Tư pháp:
Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội
tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh có kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến
Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế đến các đơn vị sử dụng lao động và người
lao động trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế:
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
tổ chức tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế theo đúng
trình tự và thủ tục về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho
người bệnh theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo
hiểm y tế; đồng thời, có các biện pháp ngăn ngừa việc lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế
trong khám chữa bệnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra; đồng
thời, có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng chỉ định cận lâm sàng
và kê đơn thuốc không phù hợp, gây lãng phí.
Thường xuyên theo dõi và cân đối quỹ
khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm hạn chế tình trạng vượt quỹ, vượt trần, sử dụng
quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng mục đích của Đảng và Nhà nước: “vì người
bệnh, không vì lợi nhuận”
5. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
Hàng quý, cung cấp thông tin kịp thời
cho Bảo hiểm xã hội tỉnh về danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh để
Bảo hiểm xã hội tỉnh theo dõi, cập nhật danh sách doanh nghiệp đưa vào diện triển
khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế theo quy định.
6. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và Sở Y tế đảm bảo nguồn kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho
các đối tượng theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
7. Sở Giáo dục và
Đào tạo:
Chỉ đạo các trường thực hiện bảo hiểm
y tế học sinh, sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên đăng
ký tham gia và thu tiền đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên nộp cho Bảo hiểm
xã hội theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế và quy định tại Khoản 3 Điều 3
Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Bộ Y tế
- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; yêu cầu các trường sử dụng
đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí quỹ khám chữa bệnh 12% được trích để lại
cho y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên.
Phối hợp, hỗ trợ Bảo hiểm xã hội tỉnh
phát hành thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên ngay sau khi các cơ sở giáo
dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hoàn tất việc đóng phí bảo hiểm y tế
cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.
8. Sở Thông tin
và Truyền thông:
Xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên
truyền; chỉ đạo các đơn vị liên quan ưu tiên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng với
thời gian và thời lượng thích hợp; đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị
đưa tin sai lệch, làm ảnh hưởng không tốt đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế.
9. Công an tỉnh:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành
chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với
các cơ quan thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ;
chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và
các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để
có biện pháp phối hợp xử lý hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
10. Thanh tra
Nhà nước:
Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội
thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh;
ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
11. Cục Thuế tỉnh:
Phối hợp, hỗ trợ tích cực cho Bảo hiểm
xã hội tỉnh trong việc xác minh thông tin người nộp thuế nhằm phục vụ cho công
tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,
bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
12. Ban Quản lý
các Khu Công nghiệp tỉnh:
Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp
đôn đốc việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế của các doanh
nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan chức năng xử
lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo
hiểm y tế.
12. Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
Thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra
liên ngành về thực hiện pháp luật lao động, kiên quyết xử phạt những doanh nghiệp
nợ hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người
lao động.
Tập trung chỉ đạo và có biện pháp chấn
chỉnh, xử lý kịp thời những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trên địa bàn quản lý.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế đến người dân được hiểu về quyền
và lợi ích hợp pháp cũng như trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
13. Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hậu Giang:
Tăng cường đưa tin, bài, ảnh nhằm
thông tin, tuyên truyền đến người dân về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm
y tế; mở chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về các đơn vị thực hiện tốt chính
sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời, phê phán các doanh nghiệp, người
lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo
quy định.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông,
Đài Truyền thanh các cấp tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế
thành nội dung thường xuyên của chương trình phát thanh; xây dựng các chuyên đề,
chuyên mục cố định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên truyền hình.
14. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh:
Phối hợp với các sở, ngành liên quan
tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho
các thành viên, đoàn viên, hội viên nhằm tích cực hưởng ứng và tăng cường các
hoạt động giám sát việc thực hiện.
14. Đề nghị
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:
Nghiêm túc thực hiện Luật Bảo hiểm xã
hội và Luật Bảo hiểm y tế; có trách nhiệm báo cáo và thực hiện đầy đủ việc
trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao
động theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm
xã hội để thanh toán kịp thời, đúng và đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng thụ hưởng.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương
trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020. Giám đốc Sở, Thủ trưởng
cơ quan, ban, ngành, tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch
này, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và phối hợp triển khai thực hiện đạt
hiệu quả, mục đích, yêu cầu đề ra; định kỳ 06 tháng, một năm tổ chức sơ kết, tổng
kết và báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 của
Bộ Chính trị, Chương trình số 148-CTr/TU ngày 18 tháng 3 của Tỉnh ủy về Bảo hiểm
xã hội tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Tỉnh ủy.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bảo
hiểm xã hội tỉnh tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- BHXH Việt Nam;
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Lưu: VT, VX. HNg
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thành Lập
|