Kế hoạch 72/KH-UBND thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2022
Ngày có hiệu lực 31/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 31 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2022

Căn cứ Chương trình số 34-CTr/BCĐ ngày 10/02/2022 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh về chương trình công tác năm 2022; Quy chế phối hợp số 03-QC/BDVTU-BCSĐUBND ngày 05/11/2021 giữa Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy; Báo cáo số 28-BC/BCĐ ngày 01/12/2021 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh về kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tăng cường nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, gần dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

2. Yêu cầu

- Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân;

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế vững chắc; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra trong năm 2022.

- Việc thực hiện Quy chế dân chủ phải đảm bảo nghiêm túc, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022

1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ.

- Tiếp tục quán triệt sâu rộng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại các văn bản: Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 880-QĐ/TU ngày 12/01/2015 của Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm của Đảng ủy xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 980-QĐ/TU ngày 22/5/2015 của Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm của cấp ủy cơ sở đảng, cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong việc lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định số 728-QĐ/TU ngày 12/9/2014 của Tỉnh ủy về quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh với nhân dân; Quyết định số 729-QĐ/TU ngày 12/9/2014 của Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Chỉ thị 07-CT/TU ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2021-2025 và Quy chế số 14-QC/TU ngày 10/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh; “Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình hình mới”.

- Theo dõi, nắm tình hình triển khai thực hiện dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và các dự án trọng điểm của tỉnh.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa UBND với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc triển khai, chỉ đạo cũng như hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP)

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 980-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm của cấp ủy cơ sở đảng cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong việc lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Các cơ quan cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; nhất là thực hiện công khai, dân chủ các chế độ, chính sách, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định, quy chế làm việc cho phù hợp với việc thực hiện QCDC ở cơ sở và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị và dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; tinh thần chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

- Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ và tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; quan tâm giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, bức xúc của nhân dân.

- Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện quy chế dân chủ dân chủ trong hoạt động gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của các tổ chức đoàn thể quần chúng của cơ quan, đơn vị. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Tăng cường các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước;

- Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của nhân dân để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng và ban hành các chính sách mới góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai những nội dung để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân biết theo đúng quy định;

- Chủ động đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.

- Giao Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động hàng năm theo quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2016/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

3. Đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Chương V, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ:

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo Chương V, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về vai trò, tầm quan trọng của thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo các quy định pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]