Kế hoạch 233/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Chương V Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 233/KH-UBND
Ngày ban hành 27/06/2022
Ngày có hiệu lực 27/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 233/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 27 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC THEO CHƯƠNG V NGHỊ ĐỊNH SỐ 145/2020/NĐ-CP NGÀY 14/12/2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG VÀ QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định tại Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt sâu rộng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi tắt Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ) đến các cấp các ngành có liên quan, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo thực hiện các nội dung phải công khai cho người lao động biết. Qua đó, người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định và được kiểm tra, giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của người lao động. Góp phần hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

- Tăng cường phát huy dân chủ, mối quan hệ đoàn kết nội bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên, thiết thực và có hiệu quả.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp các ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để thực hiện các nội dung về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định tại Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

II. NỘI DUNG

1. Trách nhiệm của các ngành có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nội dung tại Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan việc thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đến người sử dụng lao động và người lao động.

2. Các doanh nghiệp, đơn vị có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong doanh nghiệp.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động Tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện thi hành một số điều kiện lao động và quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nội dung tại Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến người sử dụng lao động, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Thực hiện lồng ghép với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp các ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý những trường hợp cố tình không thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định. Kịp thời đề xuất khen thưởng những trường hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội dung của Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến người sử dụng lao động, người lao động và báo cáo kết quả tình hình thực hiện theo quy định.

- Định kỳ 06 tháng và hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ban Chỉ đạo Tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Liên đoàn Lao động Tỉnh

- Tổ chức tuyên truyền và xây dựng Kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương V Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến các cấp công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố; công đoàn ngành; công đoàn các Khu công nghiệp và công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trong việc tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Chương V Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

- Tham gia phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động cũng như việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp. Định kỳ 06 tháng và hằng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ban Chỉ đạo Tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Tỉnh và các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Chương V Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các văn bản pháp luật có liên quan đến người sử dụng lao động, người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Định kỳ 06 tháng và hằng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

[...]