Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 655/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP và Chương trình 46-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 655/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2023
Ngày có hiệu lực 23/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Hữu Quế
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 655/KH-UBND

Gia Lai, ngày 23 tháng 03 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09/NQ-CP NGÀY 02/02/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 46-CTR/TU NGÀY 09/12/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ, Chương trình số 46-CTr/TU ngày 09/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Quán triệt, triển khai và cụ thể hóa những nội dung Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ, Chương trình số 46-CTr/TU ngày 09/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân để sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đi vào cuộc sống.

- Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.

- Chương trình hành động của Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là căn cứ để các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả quan điểm chỉ đạo, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra.

2. Yêu cầu:

- Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành đảm bảo tính chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

a) Nội dung:

- Tập trung tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW gắn với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên, trong đó:

+ Tổ chức kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể, là tổ chức kinh tế của những thể nhân, pháp nhân có nhu cầu, tự nguyện lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách.

+ Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy. Kinh tế tập thể coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức kinh tế tập thể còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

+ Đánh giá hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng thành viên tham gia, lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng. Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể là tỷ trọng đóng góp vào GRDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên... Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

+ Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.

- Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú.

- Kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

b) Cơ quan tham mưu, thực hiện: Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể:

a) Căn cứ các quy định và văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như tình hình thực tế, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cập nhật kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp, kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân, như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách khoa học - công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách thuế,…

* Cơ quan tham mưu, thực hiện: Theo chức năng và lĩnh vực phụ trách, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể cho từng giai đoạn, hằng năm, tập trung nguồn lực để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.

* Cơ quan tham mưu, thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Sớm tiếp cận và triển khai thực hiện đầy đủ các vấn đề liên quan đến các chính sách khi Nhà nước ban hành (quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể; tổ chức đại diện; huy động vốn; phát triển doanh nghiệp trong hợp tác xã; kiểm toán; tính minh bạch trong quản lý, điều hành; hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể…).

[...]