Kế hoạch 6530/KH-BNN-KTHT năm 2015 về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp 5 năm 2016 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6530/KH-BNN-KTHT
Ngày ban hành 12/08/2015
Ngày có hiệu lực 12/08/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6530/KH-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP 5 NĂM 2016 - 2020

Thực hiện công văn số 2046/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp 5 năm 2016 - 2020 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác

- Về hợp tác xã: Đến hết năm 2014, cả nước có 10.446 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 7.753 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và 2.693 HTX chuyên ngành (1.210 HTX trồng trọt, 289 HTX chăn nuôi, 461 HTX chuyên thủy lợi; 151 HTX lâm nghiệp; 526 HTX thủy sản và 56 HTX diêm nghiệp), ước tính năm 2015 có 10.540 hợp tác xã nông nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2015 đã tăng 1.314 HTX nông nghiệp, riêng năm 2013 thời điểm Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực, số hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới đạt 803 hợp tác xã.

- Về tổ hợp tác: Trong 5 năm vừa qua tổ hợp tác phát triển rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, do tính lỏng lẻo trong hợp tác nên số liệu thống kê về tổ hợp tác qua các năm có biến động tăng, giảm lớn. Năm 2011 có 136.097 tổ hợp tác trong nông nghiệp, năm 2014 có 62.230 tổ hợp tác trong nông nghiệp trong đó có 47.006 tổ dịch vụ và sản xuất nông nghiệp (chiếm 75%); 8.341 tổ thủy lợi; 5.835 tổ thủy sản (gần 10%); 1.048 tổ lâm nghiệp...

2. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã

Năm 2011, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của 3 chức danh chủ chốt của các HTX còn hạn chế, tỷ lệ chủ nhiệm HTX chưa qua đào tạo bình quân toàn quốc 37,6%. Năm 2014, trong tổng số 5.826 chủ nhiệm HTX, có 690 người (chiếm 12%) có trình độ đại học; 1.750 (tương đương 30%) có trình độ trung cấp và có 24% (khoảng 1.400 người) chưa qua đào tạo. Tương tự trình độ chuyên môn của kế toán trưởng trong hợp tác xã nông nghiệp như sau: 4% có trình độ đại học; 84% có trình độ trung và sơ cấp; 12% chưa qua đào tạo.

II. ĐÁNH GIÁ THEO LĨNH VỰC

1. Về tổ hợp tác

- Lĩnh vực dịch vụ và sản xuất nông nghiệp: Hiện có 47.006 tổ dịch vụ và sản xuất nông nghiệp (chiếm 75%). Hoạt động chủ yếu là giúp đỡ nhau trong sản xuất như: Hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ công lao động lẫn nhau, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, làm đất, vốn...qua đó giúp cho các thành viên tăng năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả hơn về lao động, đất đai, vật tư, tiến bộ kỹ thuật từ đó làm tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

- Lĩnh vực thủy lợi: Cả nước hiện có 8.341 THT dùng nước làm dịch vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các THT dùng nước chủ yếu phát triển ở các tỉnh miền núi phía Bắc (40%) và Đồng bằng sông Cửu Long (39%).

- Lĩnh vực thủy sản: Phát triển cả trong khai thác, nuôi trồng thủy sản. Gần đây thực hiện chủ trương phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, tổ hợp tác với tên “Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển” đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 3.381 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 20.776 tàu thuyền tham gia, quy mô 3 -10 tàu/tổ. Các địa phương hình thành được nhiều tổ đội như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Bến Tre, Đà Nẵng.

- Lĩnh vực lâm nghiệp: Với 1.048 THT; hoạt động hợp tác chủ yếu trong trồng và bảo vệ rừng; thuê máy móc, thiết bị trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản...; ngoài ra, qua Dự án hỗ trợ giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dưới sự phối hợp của chính quyền địa phương (Dự án FLICH) đã hỗ trợ hình thành các tổ lâm nghiệp cộng đồng. Hầu hết các hoạt động của tổ hợp tác này là quản lý bảo vệ rừng và trồng mới rừng. Các thành viên trong tổ hợp tác là đại diện hộ dân sinh sống trong cộng đồng, giá trị hưởng lợi trực tiếp của các thành viên là nguồn gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ.

2. Về Hợp tác xã

a) Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp

Hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước hiện có 7.753 HTX chiếm 74,2% tổng số các loại hình hợp tác xã. Hầu hết các HTX trong nông nghiệp là hoạt động dịch vụ. Trong đó: 97% số HTX làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; dịch vụ thủy lợi 80%; dịch vụ giống cây trồng 53%; dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón 30%; dịch vụ thú y 21%; dịch vụ làm đất 20%; dịch vụ điện 11%; số HTX thực hiện tiêu thụ sản phẩm mới chiếm 9%; chế biến sản phẩm 0,6%; cung cấp vốn cho xã viên (TDNB) 11%; phát triển ngành nghề nông thôn 3,6%.

b) Hợp tác xã lâm nghiệp

Các tỉnh có hợp tác xã lâm nghiệp chủ yếu ở vùng Đông Bắc với 113 HTX, tập trung ở một số tỉnh như: Bắc Kạn 53 hợp tác xã, Yên Bái 32 HTX, Lạng Sơn 15 HTX, ngoài ra một số tỉnh cũng có hợp tác xã nông nghiệp lâm nghiệp nhiều như Đắc Lắc 10 HTX, Hà Tĩnh 7 HTX,.... Hầu hết là các HTX nông - lâm nghiệp tổng hợp có các hoạt động chủ yếu là sản xuất, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp, thu mua và chế biến lâm sản. Số lượng HTX lâm nghiệp thành lập trong những năm qua ít, hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất.

c) Hợp tác xã trong lĩnh vực thủy sản

Theo báo cáo của các tỉnh thành phố, năm 2014 có 526 HTX thủy sản (491 HTX nuôi trồng thủy sản và 35 HTX khai thác thủy sản) trong đó tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long với 220 HTX, Đông Bắc 108 HTX và Bắc Trung bộ 68 HTX. Riêng tỉnh Cà Mau hợp tác xã nuôi trồng thủy sản nhiều nhất cả nước với 112 HTX.

d) Hợp tác xã trong lĩnh vực diêm nghiệp

Hiện có 56 hợp tác xã diêm nghiệp, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng 24 HTX và Bắc Trung bộ 15 HTX. Tỉnh có HTX diêm nghiệp nhiều nhất cả nước là tỉnh Nam Định 15 HTX.

Hoạt động của các hợp tác xã diêm nghiệp chủ yếu thực hiện ở 2 khâu là thủy lợi và dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Doanh thu hàng năm của các HTX diêm nghiệp rất thấp, trung bình khoảng 40 - 50 triệu đồng nên hầu như không chia lãi cho xã viên.

III. HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

[...]