Kế hoạch 6298/KH-BNN-KTHT năm 2014 phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6298/KH-BNN-KTHT
Ngày ban hành 08/08/2014
Ngày có hiệu lực 08/08/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Ma Quang Trung
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6298/KH-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP NĂM 2015

Thực hiện công văn số 4036/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp năm 2015 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ DỰ KIẾN NĂM 2015

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác

- Về hợp tác xã: đến hết tháng 6 đầu năm 2014, trong ngành nông nghiệp có 10406 HTX, trong đó HTX nông nghiệp 9777; 53 HTX lâm nghiệp, 524 HTX thủy sản (33 HTX khai thác, 491 HTX nuôi trồng); 52 HTX diêm nghiệp. Số HTX thành lập mới 400 HTX và 40 HTX giải thể.

Doanh thu trung bình của hợp tác xã đạt 1.094 triệu đồng/năm, số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có lãi chiếm 49.8%, lãi bình quân 133 triệu đồng/ HTX; số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị lỗ chiếm tỷ lệ 9,5%.

- Về tổ hợp tác: Đến hết tháng 6 đầu năm 2014, cả nước có 130.000 tổ hợp tác (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối...) trong đó có 3.600 tổ, đội thủy sản đánh bắt xa bờ, 8.341 tổ thủy lợi, trên 100.000 tổ hợp tác sản xuất, dịch vụ ngành nghề khác.

II. ĐÁNH GIÁ THEO LĨNH VỰC

1. Về tổ hợp tác

THT đã phát triển nhiều và rộng khắp trên cả nước, tỏ ra rất phù hợp với khu vực trình độ sản xuất chưa cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa phát triển.

- Trong lĩnh vực thủy lợi: Cả nước hiện có 8.341 tổ hợp tác dùng nước làm dịch vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tổ hợp tác dùng nước chủ yếu phát triển ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

- Lĩnh vực thủy sản: Tổ hợp tác phát triển cả trong khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Tổ hợp tác chủ yếu thực hiện việc cùng học tập, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hợp tác làm đê bao, tổ chức cấp/thoát nước tập thể, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, cùng nhau phòng tránh thiên tai, phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản nuôi, hỗ trợ nhau để chọn lựa giống/thức ăn/vật tư chất lượng.

Trong hoạt động khai thác hải sản trên biển cùng nghề, cùng ngư trường và cùng trên một địa phương (các thành viên chủ yếu là người cùng xã, anh em dòng họ hoặc bạn bè cùng đánh bắt thủy sản lâu dài...). Nội dung hoạt động chủ yếu là chia sẻ thông tin ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm khai thác; Tổ chức bảo vệ lẫn nhau, hỗ trợ xử lý rủi ro trong hoạt động khai thác trên biển; Tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm; Tương trợ, giúp đỡ gia đình tổ viên khắc phục khó khăn phát sinh trong hoạt động khai thác, ổn định, phát triển sản xuất.

- Trong lĩnh vực lâm nghiệp: mô hình tổ hợp tác cũng khá phát triển, được thành lập do những cá nhân, hộ gia đình có đất lâm nghiệp tự liên kết với nhau để trồng và bảo vệ rừng; hoặc các hộ có cùng hoạt động góp vốn để thu mua và chế biến lâm sản. Lợi ích của các thành viên tham gia tổ hợp tác thể hiện thông qua các hoạt động cùng đóng góp tiền để mua giống cây trồng, vật liệu đầu vào khi trồng rừng, khai thác và lưu thông lâm sản nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển, thuê máy móc phục vụ sản xuất, nhân công bảo vệ rừng, phòng chống sâu bệnh hại và cháy rừng. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, hầu hết các THT trong lĩnh vực lâm nghiệp hiện nay đều có quy mô sản xuất, kinh doanh rất nhỏ, ít vốn (dưới 1 tỷ đồng), trình độ quản lý thấp, hoạt động theo thời vụ, địa bàn hoạt động hẹp và thị trường tiêu thụ không ổn định. Hầu hết các THT chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Ngoài ra, trong lĩnh vực lâm nghiệp còn hình thành các tổ tự nguyện về lâm nghiệp cộng đồng: Đây là các THT được thành lập dựa trên sự hỗ trợ của các dự án hỗ trợ giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dưới sự phối hợp của chính quyền địa phương (Dự án FLICH) tại một số tỉnh trên cả nước đã thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý. Hầu hết các hoạt động của THT này là quản lý bảo vệ rừng và trồng mới rừng theo kế hoạch hỗ trợ của dự án và sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Các thành viên trong THT là đại diện hộ dân sinh sống trong cộng đồng, giá trị hưởng lợi trực tiếp của các thành viên là nguồn gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ, tuy nhiên mức độ hưởng lợi của người dân còn ít do hầu hết diện tích rừng cộng đồng được giao là rừng tự nhiên, nghèo kiệt hoặc diện tích rừng trồng còn non chưa đến tuổi khai thác.

2. Về Hợp tác xã

a) Hợp tác xã nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp tổng hợp...)

- Về hoạt động kinh doanh

Hầu hết các HTX trong nông nghiệp là hoạt động dịch vụ.

Trong đó: 97% số HTX làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; dịch vụ thủy lợi 80%; dịch vụ giống cây trồng 53%; dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón 30%; dịch vụ thú y 21%; dịch vụ làm đất 20%; dịch vụ điện 11%; số HTX thực hiện tiêu thụ sản phẩm mới chiếm 9% ; chế biến sản phẩm 0,6%; cung cấp vốn cho xã viên (TDNB) 11%; phát triển ngành nghề nông thôn 3,6

Chỉ có 2,3% số HTX có sản xuất gắn với dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm đây đa số là các HTX chuyên ngành: Sản xuất rau, hoa, chăn nuôi lợn, bò sữa …

- Về vốn sản xuất kinh doanh

Vốn sản xuất kinh doanh của HTX rất nhỏ bé và chủ yếu là vốn tự có. Theo kết quả điều tra 850 HTX nông nghiệp năm 2013 bình quân vốn của HTX nông nghiệp là 951 triệu/HTX trong đó vốn lưu động là 30%... Trong cơ cấu vốn thì vốn tự có là 85%. Nhiều HTX quy mô thôn, bản hoặc 10-20 xã viên, vốn hoạt động của HTX chỉ có từ vài chục triệu đến 300-400 triệu đồng; không ít HTX không còn vốn để hoạt động.

- Về kết quả sản xuất kinh doanh

[...]