Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 62/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2022
Ngày có hiệu lực 29/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Ngô Thị Kim Yến
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Chương trình), với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Triển khai sâu rộng, toàn diện, có hiệu quả các nội dung tại Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

b) Tuyên truyền phổ biến, cập nhật thông tin pháp luật, chính sách về bình đẳng giới. Tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CCVC-LĐ) và các tầng lớp nhân dân về thực hiện bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

c) Tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2022 - 2025

- Hàng năm, các cơ quan hành chính nhà nước, ban, ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tổ chức ít nhất 02 cuộc truyền thông cho cán bộ CCVC-LĐ, giáo viên, học sinh, sinh viên, người dân về pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới;

- Hàng năm, 100% cơ quan hành chính nhà nước, ban, ngành, hội đoàn thể các cấp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;

- 100% cơ quan truyền thông của thành phố và địa phương (gồm Báo, Đài, hệ thống thông tin cơ sở) phổ biến pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới trong chuyên mục, chuyên đề định kỳ hàng tháng; đến năm 2025 phấn đấu đạt 70% cơ quan truyền thông của thành phố và địa phương áp dụng thí điểm Bộ chỉ số về giới trong truyền thông;

- Mỗi quận, huyện xây dựng ít nhất 01 mô hình truyền thông hiệu quả về bình đẳng giới. Mỗi xã, phường mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới cho người dân trong cộng đồng trên hệ thống thông tin cơ sở. Mỗi thôn, tổ dân phố tổ chức ít nhất 01 cuộc truyền thông trong năm về pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới;

- Đến năm 2025 đạt 95% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

b) Giai đoạn 2026 - 2030

- Các sở, ban, ngành, hội đoàn thể thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức ít nhất 03 cuộc truyền thông cho cán bộ CCVC-LĐ về pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới mỗi năm;

- Duy trì 100% cơ quan hành chính nhà nước, ban, ngành, hội đoàn thể các cấp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm;

- 100% cơ quan truyền thông của thành phố và địa phương (gồm Báo, Đài, hệ thống thông tin cơ sở) phổ biến pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới trong chuyên mục, chuyên đề định kỳ hàng tháng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông;

- Mỗi quận, huyện duy trì và nghiên cứu nhân rộng mô hình truyền thông hiệu quả về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025. Duy trì mỗi xã, phường mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới cho người dân trong cộng đồng trên hệ thống thông tin cơ sở và mỗi thôn, tổ dân phố tổ chức ít nhất 02 cuộc truyền thông trong năm về pháp luật, chính sách, thông tin về bình đẳng giới;

- Năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thường xuyên và định kỳ cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới của quốc gia và của thành phố cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân và các đối tác có liên quan.

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức chiến dịch truyền thông cao điểm ở các cấp, các ngành trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (ngày 15/11 - 15/12 hàng năm).

b) Hàng năm tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3); ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động về phòng chống bạo lực gia đình (tháng 6).

c) Sản xuất và cung cấp các bản tin tờ rơi, báo cáo, tài liệu,... về bình đẳng giới cho lãnh đạo các cấp.

d) Tăng cường công tác truyền thông, thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thấp, còn tồn tại nhiều định kiến giới; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, cơ sở giáo dục...

đ) Xây dựng và triển khai các mô hình, tài liệu, hình thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng, chú ý các nhóm đặc thù như: học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người khuyết tật, người cao tuổi, hộ nghèo, cận nghèo; dân tộc thiểu số...

[...]