Kế hoạch 6074/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 6074/KH-UBND
Ngày ban hành 15/07/2020
Ngày có hiệu lực 15/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Phạm Ngọc Nghị
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6074/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 15 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/NQ-CP NGÀY 12/3/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39-NQ/TW NGÀY 15/01/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC CỦA NỀN KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (viết tắt là Nghị quyết số 30/NQ-CP), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình số 32-CTr/TU ngày 17/5/2019 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, có tính khả thi để các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực kinh tế của tỉnh, đảm bảo có lộ trình phù hợp và đồng bộ, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Đối với nguồn nhân lực

1.1. Phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả tỉnh. Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế.

1.2. Phấn đấu đến năm 2035: Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 20% tổng số lao động của cả tỉnh. Phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực làm công tác khoa học, công nghệ của tỉnh; có hệ thống nhân lực phát triển đầy đủ, toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh; hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

1.3. Phấn đấu đến năm 2045: Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 15% tổng số lao động của cả tỉnh. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nhân lực địa phương đạt mức khá so với bình quân chung cả nước.

2. Đối với nguồn vật lực

2.1. Phấn đấu đến năm 2025:

- Thực hiện tốt hệ thống luật pháp, các cơ chế, chính sách, công cụ thúc - đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phù hợp với thực tế, quy mô và hiệu quả đầu tư. Tiếp tục xây dựng mới và duy trì vận hành mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường hiện có.

- Khai thác hợp lý, hiệu quả môi trường cảnh quan, điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội... để phục vụ phát triển du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là sản phẩm du lịch chất lượng cao. Thực hiện đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm; phát triển hạ tầng du lịch, hình thành các tuyến, điểm, cụm du lịch nhằm đưa ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hình thành và phát triển hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; nâng cấp, mở mới hạ tầng kết nối giữa các tỉnh, vùng, miền trong cả nước; phát triển thêm các tuyến đường cao tốc chất lượng cao; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị và mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch được duyệt.

2.2. Phấn đấu đến năm 2035:

- Triển khai có hiệu quả các công cụ điều tiết thị trường quyền sử dụng đất bảo đảm khoảng 99% diện tích đất tự nhiên được đưa vào khai thác, sử dụng. Kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước; phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Hoàn thiện hệ thống mạng quan trắc tài nguyên, môi trường theo hướng tự động hoá. Hoàn thành việc xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên của tỉnh, đảm bảo phù hợp, kết nối với hệ thống thông tin giám sát tài nguyên quốc gia.

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại; phát triển vận tải đa phương thức, hoàn thành và khai thác tuyến đường cao tốc chất lượng cao: Cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, hoàn thành bước chuẩn bị đầu tuyển đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (Phú Yên); hình thành cảng cạn Đắk Lắk, các trung tâm Logistics, kết nối thuận lợi đến các địa bàn trong toàn tỉnh và khu vực Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên.

2.3. Phấn đấu đến năm 2045:

- Chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

- Hoàn thiện cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt với khu vực Đông Nam bộ, các tỉnh duyên hải Miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, khu vực CLV (Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam) và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, hạ tầng nông thôn.

3. Đối với nguồn tài lực:

3.1. Phấn đấu đến năm 2025:

- Bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương (Giảm dần chi thường xuyên để tăng chi đầu tư; tăng thu ngân sách địa phương được hưởng để giảm dần bổ sung từ ngân sách Trung ương).

- Trong năm 2020 cơ bản hoàn thành và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được xác định ra khỏi vùng quy hoạch.

3.2. Phấn đấu đến năm 2035: Cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước; thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt 10%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm. Nguồn vốn huy động cho nền kinh tế đảm bảo 40-50% tổng vốn đầu tư dài hạn.

3.3. Phấn đấu đến năm 2045: Giữ ổn định thu ngân sách nhà nước, đảm bảo số thu vượt chi và có điều tiết về ngân sách Trung ương; giữ ổn định thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt 15%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5-7% tổng thu ngân sách nhà nước.

[...]