Kế hoạch 276/KH-UBND năm 2020 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 276/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2020
Ngày có hiệu lực 23/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 276/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC CỦA NỀN KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2020, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực công khai, minh bạch, hiệu quả.

2. Cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, để các ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng được đề ra trong Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2020.

3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, yêu cầu các ngành, các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình phù hợp và quyết tâm cao.

II. MỤC TIÊU

1. Đối với nguồn nhân lực

- Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm và thủy sản đến năm 2025 còn 40%, đến năm 2035 còn 32,8% và đến năm 2045 còn 21,8% trong tổng số lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 78,6% và đến năm 2030 đạt 87,4%.

- Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

- Đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các cụm ngành có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao. Hình thành kinh tế tri thức, nâng cao năng suất lao động trong từng ngành, lĩnh vực.

2. Đối với nguồn vật lực

- Đến năm 2025:

+ Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Quản lý khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đầu tư và vận hành có hiệu quả mạng lưới trạm quan trắc môi trường.

+ Hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, kết nối. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối nội tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và kết cấu hạ tầng đô thị.

- Đến năm 2035:

+ Vận dụng các công cụ điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, bảo đảm 99% diện tích đất tự nhiên được đưa vào khai thác, sử dụng. Kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường.

+ Bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hướng đến hiện đại kết nối thuận tiện, nhanh chóng đến các tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Kiến nghị Trung ương đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các tuyến Quốc lộ với quy mô tối thiểu đạt cấp III đồng bằng; hệ thống các tuyến tỉnh lộ với quy mô tối thiểu đạt 80% cấp III đồng bằng.

- Đến năm 2045:

+ Chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

+ Hoàn thiện cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối thông suốt liên tỉnh, liên vùng. Hệ thống các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ với quy mô tối thiểu đạt cấp III đồng bằng trở lên.

3. Đối với nguồn tài lực

Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 bình quân khoảng 8 - 10%/năm. Sau năm 2025, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu với mức tăng thu ngân sách phù hợp, giữ vững an ninh tài chính địa phương, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, hướng tới cân đối ngân sách tích cực.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đối với nguồn nhân lực

a) Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình đổi mới giáo dục theo lộ trình của Chính phủ, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, chú trọng giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo, kỹ năng sống, ngoại ngữ và tin học, quan tâm phát triển giáo dục thể chất nhằm nâng cao tầm vóc học sinh.

[...]