Kế hoạch 596/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 596/KH-UBND
Ngày ban hành 15/09/2021
Ngày có hiệu lực 15/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 596/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 15 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 20/11/2020 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1266/TTr-SNN ngày 26/8/2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; phát triển mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nông sản bền vững gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,0 - 1,2%. Đến năm 2025, tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản chiếm 54,2%; tỷ trọng trồng trọt chiếm 39,4%; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng.

- Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt 35 - 40%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 15%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn dưới 10%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%; trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 30% hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

- Tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ đạt trên 15%; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng đạt trên 30%; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 0,7%, nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng; trồng mới 1,5 triệu cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh.

- 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); công nhận ít nhất 50 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có 02 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao/huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

II. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025

1. Cơ cấu theo nhóm sản phẩm

a) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, có cơ chế chính sách nhằm phát triển nhóm danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia theo Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh và nhóm danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được ban hành theo Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 07/5/2019 của UBND tỉnh.

Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu. Đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; có chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.

Định hướng phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh:

- Các sản phẩm sản xuất giống: Tiếp tục chủ động hoàn toàn về cung cấp con giống lợn, gà và phần lớn cá giống chất lượng cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh và mở rộng tiêu thụ sang các địa phương lân cận. Số lượng con giống sản xuất và cung ứng ra thị trường đạt 800.000 con lợn giống với 100% là lợn lai 2,3 máu ngoại (Duroc, Piteran, Landace, Yorshre,…); 37 triệu con gà giống, trong đó ưu tiên phát triển các giống gà đặc sản của tỉnh như: gà Hồ, gà lai Hồ, gà J...; duy trì 350- 355 triệu con cá giống có giá trị kinh tế cao như cá chim trắng, chép, trắm, rô phi đơn tính, điêu hồng...

- Các sản phẩm sản xuất thương phẩm:

+ Gạo chất lượng cao: Trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng sản xuất trọng điểm lúa gạo các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa bằng các biện pháp sử dụng giống năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt sinh vật hại, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa; thực hiện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Diện tích sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao đạt khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy lúa, tập trung tại các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du.

+ Rau, củ, quả an toàn: Hình thành các vùng sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ rau an toàn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, tập trung tại các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ. Đến năm 2025, mở rộng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn đạt 3000 ha, trong đó 10% được cấp giấy chứng nhận VietGAP và tương đương.

+ Thịt lợn: Tiếp tục sử dụng các giống lợn lai cao sản được chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phát triển hệ thống quản lý thông minh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung; củng cố liên kết vững chắc các khâu từ chọn giống - chăn nuôi - giết mổ đảm bảo an toàn sinh học. Đến năm 2025, sản lượng thịt lợn đạt 73.000 tấn, trong đó sản lượng thịt lợn được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đạt trên 50%.

+ Thịt và trứng gia cầm: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại khép kín. Tiếp tục duy trì tỷ lệ đàn gà lông màu đạt trên 60%; tăng cường sử dụng các giống bản địa đã nuôi giữ, phục tráng, lai tạo có nguồn gen tốt như gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía,... Đến năm 2025, sản lượng thịt gia cầm đạt 19.000 tấn, trong đó sản lượng thịt gia cầm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đạt trên 10%, duy trì đàn gà đẻ để đạt 300 -350 triệu quả trứng/năm, trong đó có khoảng 40-50% số trứng được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

+ Cá thịt: Duy trì diện tích khoảng 5.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Ổn định các vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao đất có diện tích từ 10ha trở lên tại các huyện Lương Tài, Quế Võ, Gia Bình và 2.300 lồng nuôi cá trên sông. Sản lượng cá thịt năm 2025 ước đạt 41.000 tấn, trong đó có khoảng 80% được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

+ Đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm từ mây, tre, trúc: Giữ vững và phát triển 15 làng nghề hiện có (12 làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và 3 làng nghề sản xuất đồ mây, tre, trúc). Tạo công ăn việc làm cho khoảng 50.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động thời vụ, với thu nhập bình quân đạt khoảng 08 triệu đồng/người/tháng.

[...]