Kế hoạch 2305/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 2305/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2021
Ngày có hiệu lực 18/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2305/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 15/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 5 năm 3,5-4%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết 10%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo các quy trình tốt (GAP) hoặc tương đương 5%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 7%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 5%/năm; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 3%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 35%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 60%; trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

- Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được tiêu thụ đạt trên 20%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%.

- Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 68%, tăng cường chất lượng rừng.

II. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025

1. Cơ cấu theo nhóm sản phẩm cấp tỉnh: Định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ yếu như sau:

- Sản xuất lúa: Giữ ổn định diện tích đất lúa, đặc biệt là đất sản xuất lúa 2 vụ để đảm bảo an ninh lương thực. Thực hiện khoanh vùng, quản lý nghiêm diện tích đất hồng lúa 2 vụ để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1446/KH-UBND ngày 3/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia đến năm 2030. Mở rộng diện tích giống chất lượng cao chiếm 70-75% diện tích gieo trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng tỷ lệ giống ngắn, cực ngắn ngày; đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt 2.200ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, đối tượng khác có giá trị kinh tế cao hơn như ngô, dưa hấu, lạc, sen, lúa-cá, nuôi trồng thủy sản...; phát triển sản xuất gạo hữu cơ và đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo và phụ phẩm của lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám...) để tăng giá trị gia tăng.

- Cây ngô: Mở rộng diện tích trên chân đất phù hợp, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng ngô; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống ngô, nâng cao tỷ lệ các giống cao sản.

- Cây lạc: Chuyển đổi cơ cấu giống lạc, nâng tỷ lệ giống năng suất cao, chống chịu sâu bệnh; tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn để lựa chọn bộ giống phù hợp; tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh.

- Sắn nguyên liệu: Ổn định diện tích đến năm 2025 đạt 6.300ha, tập trung phát triển ở vùng đồi; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác bền vững; áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sắn, phục vụ công nghiệp chế biến tinh bột, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.

- Rau các loại: Đa dạng cơ cấu các loại rau màu, phát triển mạnh rau màu đang có thị trường tiêu thụ như ớt, các loại rau, củ, quả... với diện tích 6.000ha (trong đó diện tích sản xuất rau an toàn công nghệ cao khoảng 100ha); tăng cường sử dụng các loại giống mới kết hợp với áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Cây cao su: Duy trì diện tích cao su hiện có tập trung ở vùng ít bị ảnh hưởng của gió bão từ 8.000-10.000ha; tiếp tục chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác như trồng cây dược liệu[1], hồ tiêu, cây ăn quả... trong đó quy hoạch 300ha để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 3-5 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế.

- Hồ tiêu: Tăng diện tích hồ tiêu trồng xen, giảm diện tích hồ tiêu trồng thuần để giảm áp lực về sinh vật gây hại, xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu tập trung, an toàn và chất lượng, gắn với đầu tư các cơ sở chế biến, phấn đấu đến năm 2025: 1.500ha, sản lượng 1.100 tấn.

- Chăn nuôi bò: Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò cả số lượng, chất lượng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò; đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò đạt 120.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai 65-70% tổng đàn. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, kết hợp sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi.

- Chăn nuôi lợn: Tiếp tục thực hiện Chương trình nạc hóa đàn lợn bằng các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao như Landrace, Yorshire, Pietrain, Duroc... cho các vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, vùng chăn nuôi tập trung gắn với chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn lợn đạt 370.000 con.

- Chăn nuôi gà: Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống gà theo hướng giảm giống công nghiệp, tăng nhanh giống gà thả vườn chất lượng cao, dễ tiêu thụ như Ri vàng rơm, Lương Huệ, Jdabaco... Phát triển các trang trại chăn nuôi gà thả vườn ở vùng đồi, đẩy mạnh phát triển “thương hiệu gà đồi” cho một số địa phương, phấn đấu đến năm 2025 đạt 4,5 triệu con.

- Tôm: Phát triển tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, quy trình nuôi tôm bền vững, VietGAP, tiến tới áp dụng nuôi có trách nhiệm (CoC), phấn đấu đến năm 2025 diện tích tôm nuôi 1.450ha, sản lượng 6.500tấn; tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường.

- Gỗ, sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ: Tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC, lâm sản ngoài gỗ; phấn đấu sản lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng bình quân 500.000m3/năm. Tiếp tục kêu gọi hoàn thiện các nhà máy chế biến gỗ gắn với các vùng trồng rừng tập trung. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thể mạnh như mây tre, dược liệu...

2. Nhóm sản phẩm OCOP

Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể:

[...]