Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 150/KH-UBND
Ngày ban hành 25/06/2021
Ngày có hiệu lực 25/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Đức Thọ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 25 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 986/SNN-KHTC ngày 14/5/2021, Văn bản số 1245/SNN-KHTC ngày 14/6/2021; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, gắn với dịch vụ du lịch và xây dựng nông thôn mới; Đầu tư phát triển nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với quá trình đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn đồng thời phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp nơi vùng quê nông thôn. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 1,1%/năm. Tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 0,93%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản là 55,90% - 0,20% - 43,90%.

- Giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp gấp 1,6 - 1,8 lần so với năm 2019, ước đạt 120 - 130 triệu đồng/ha (giá so sánh năm 2010). Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 245 triệu đồng/ha; tỷ lệ diện tích trồng trọt được ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đạt 62,4%.

- Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 200 nghìn tấn, trong đó: sản lượng khai thác chiếm 60%, sản lượng nuôi trồng chiếm 40% tổng sản lượng thủy sản.

- Đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nông dân được dùng nước sạch đạt 100%.

- Có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt 95%. Có 60% làng nghề truyền thống đạt yêu cầu về môi trường. 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng ở khu vực nông thôn áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm môi trường. Hàm lượng các chất độc hại trong không khí ở khu vực dân cư nông thôn đạt quy chuẩn.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 9,12%.

II. ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Cơ cấu lại theo lĩnh vực của ngành

a. Lĩnh vực trồng trọt

- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được duyệt;

- Tiếp tục triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, dành quỹ đất thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp trong đó, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất cây trồng trong nhà lưới, sử dụng màng che phủ, hệ thống tưới tự động, tưới thấm; biện pháp thâm canh bền vững; giảm việc sử dụng phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chứng nhận truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ du lịch.

b. Lĩnh vực chăn nuôi

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lò giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát, kiểm dịch bệnh, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.

- Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, phát triển nuôi ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; xây dựng các cơ sở giống chất lượng cao, vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

- Định hướng cơ cấu lại các loài vật nuôi chủ yếu: lợn, gia cầm, những loài vật nuôi khác như: trâu, bò, dê, thỏ, thủy cầm, ong... phát triển phù hợp với từng vùng sinh thái và nhu cầu của thị trường, cụ thể:

+ Chăn nuôi lợn: Mở rộng quy mô đàn lợn cao sản, áp dụng tiến bộ về giống, thức ăn, chuồng trại theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp. Nâng cao chất lượng đàn lợn thịt, tăng năng suất sinh sản đàn lợn nái. Tỷ lệ cơ cấu đàn lợn nái ngoại, nái lai trong cơ cấu đàn lợn nái đạt trên 90%; tăng tỷ lệ đàn lợn trong trang trại chăn nuôi tập trung lên trên 50% so với tổng đàn lợn toàn thành phố.

[...]