Kế hoạch 578/KH-UBND năm 2021 về phát triển xuất khẩu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 578/KH-UBND
Ngày ban hành 21/09/2021
Ngày có hiệu lực 21/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 578/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 21 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Giai đoạn 2016-2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 11,841 triệu USD, tăng trưởng bình quân mới đạt 1,05%/năm. Đến năm 2020, mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã có sự tăng trưởng bứt phá và có xu hướng ngày càng tăng; năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD tăng 250% so với kế hoạch (kế hoạch là 03 triệu USD) và tăng 32,75 lần so với năm 2015; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chì thỏi, đũa gỗ, gỗ dán ép, ván bóc, miến dong, củ, quả, hoa quả qua chế biến (Curcumin nghệ; mơ, kiệu sơ chế;...).

Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt 12,1 triệu USD, gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 400% kế hoạch năm 2021. Dự ước cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 triệu USD, tăng 86% so với thực hiện năm 2020 và đạt 466% kế hoạch năm 2021.

Trong những năm qua, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, không ổn định qua các năm, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu còn hạn chế cả về quy mô và số lượng; thị trường xuất khẩu còn nhỏ hẹp, mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu...

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là đến năm 2030: Phấn đấu đưa sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản của địa phương đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung cấp trong nước và hướng tới xuất khẩu... góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các nhóm hàng nông, lâm sản, nhóm hàng công nghiệp chế biến và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đưa xuất khẩu trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển xuất khẩu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021- 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu; tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế phục vụ xuất khẩu như: Sản phẩm gỗ rừng trồng, hàng nông sản chế biến; kim loại chì, kẽm; sản phẩm dệt may,... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển;

- Củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia các FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA...; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân từ 10%/năm trở lên, đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt từ 20 triệu USD trở lên.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.

- Các mặt hàng chủ lực: Tập trung vào các nhóm, ngành hàng có lợi thế về nguyên liệu, có giá trị gia tăng cao như; Các sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần...); các sản phẩm nông sản đã qua chế biến tinh (miến dong, rau, củ, quả, gừng, nghệ, kiệu); các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat,...).

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Định hướng phát triển mặt hàng xuất khẩu

Trong giai đoạn tới tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đưa nhóm hàng công nghiệp chế biến trở thành động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng; cụ thể như:

- Trục sản phẩm quốc gia tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm là gỗ, chế biến gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần...) và dược liệu (tinh dầu hồi, quýt, quế, giảo cổ lam,...).

- Trục sản phẩm địa phương tập trung phát triển các nhóm sản phẩm: Miến dong; quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mận, mơ và chuối; chè; các sản phẩm từ nghệ (tinh bột, Curcumin);

- Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu: Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị cao như: Rau, củ, quả; gạo.

- Các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat,...).

2. Định hướng thị trường xuất khẩu

Hiện nay tỉnh đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Cộng hòa Séc với các sản phẩm như bột canxi cacbonat, gỗ dán ép, đũa gỗ, chuối, quả mơ, gừng đã qua sơ chế, miến dong, kim loại chì, kẽm... bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường các nước. Giai đoạn 2021-2025 với sự ra đời của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và các nước trong khối ASEAN... đã tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong đó có Bắc Kạn vào các nước đối tác, do vậy trong thời gian tới tỉnh Bắc Kạn cần tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế của các nước nằm trong Khối ASEAN và các nước nằm trong các Hiệp định thương mại tự do trên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

- Thị trường châu Mỹ: Tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ, đồng thời tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế quan theo tinh thần Hiệp định CPTPP để mở rộng thị phn xuất khẩu sang các thị trường khác như Ca-na-đa và các thị trường các nước Nam Mỹ. Về mặt hàng hóa, tập trung xuất khẩu những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh như mặt hàng gỗ, nông sản chế biến.

- Thị trường Châu Âu: Là thị trường có dung lượng lớn, Hiệp định tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định tự do Việt Nam - Liên Minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với trên 90% số dòng thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, do vậy cần duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Séc, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các nhóm mặt hàng nông sản chế biến, may mặc...

- Thị trường Trung Quốc: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhằm giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào xuất xứ trong nước, về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng khoáng sản, nông sản chế biến, đồ gỗ, dược liệu...

- Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc: Tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các FTA đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông sản chế biến, hoa quả sấy, dược liệu...

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

[...]