Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2021 về phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2021
Ngày có hiệu lực 29/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Cà Mau, ngày 29 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TỈNH CÀ MAU, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân khóa IX, Kỳ họp thứ 15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030; Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 23/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các văn bản có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung

- Xuất khẩu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm duy trì sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của công nhân lao động, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội tại địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

- Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, mở rộng quy mô xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu, thêm nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với thế mạnh của tỉnh.

- Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế theo hướng xã hội hóa và đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước để phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, thu hút khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

- Đẩy mạnh xuất, nhập khẩu trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, tập trung đầu tư các thị trường trọng điểm, khai thác phát triển nhiều thị trường mới, duy trì cán cân thương mại gắn với nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

- Giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

2. Mục tiêu cụ thể

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân khoảng 8%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6.000 triệu USD; trong đó: ước lượng Thủy sản đạt 5.649 triệu USD, Đạm đạt 300 triệu USD và các mặt hàng khác đạt 51 triệu USD, cụ thể từng năm như sau:

- Năm 2021 ước lượng đạt 1.100 triệu USD; trong đó: Thủy sản: 1.044 triệu USD, Đạm: 55 triệu USD và các mặt hàng khác: 1 triệu USD.

- Năm 2022 ước lượng đạt 1.150 triệu USD; trong đó: Thủy sản: 1.090 triệu USD, Đạm: 55 triệu USD và các mặt hàng khác: 5 triệu USD.

- Năm 2023 ước lượng đạt 1.200 triệu USD; trong đó: Thủy sản: 1.130 triệu USD, Đạm: 60 triệu USD và các mặt hàng khác: 10 triệu USD.

- Năm 2024 ước lượng đạt 1.250 triệu USD; trong đó: Thủy sản: 1.175 triệu USD, Đạm: 60 triệu USD và các mặt hàng khác: 15 triệu USD.

- Năm 2025 ước lượng đạt 1.300 triệu USD; trong đó: Thủy sản: 1.210 triệu USD, Đạm: 70 triệu USD và các mặt hàng khác: 20 triệu USD.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 23/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Trên cơ sở dự báo tình hình thuận lợi, khó khăn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp và doanh nghiệp cùng phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu

1.1. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp xuất khẩu

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặt hàng của Cà Mau có kim ngạch xuất khẩu lớn, ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế mạnh (như tôm đông, tôm sinh thái, bánh phồng tôm, cua bin, mực, cá, gạo, gỗ, chuối, máy cho tôm ăn, phân đạm...) phù hợp với cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

- Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; bổ sung các danh mục các lĩnh vực, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên sản xuất các mặt hàng phục vụ xuất khẩu.

- Hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

1.2. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

- Tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường thế giới và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có giá trị cao.

- Mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm, lựa chọn nguồn nguyên vật liệu đầu vào phù hợp với yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do.

- Nâng cao chất lượng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của nông sản xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP)...; đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, nhằm tổ chức hiệu quả chuỗi cung ứng từ thu mua nguyên liệu đầu vào đến khâu tổ chức sản xuất và xuất khẩu.

[...]