Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2022 thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 18/02/2022
Ngày có hiệu lực 18/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022-2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Nhằm triển khai việc thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả trên địa bàn; Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch “Thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo” với các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP THỦ ĐÔ:

1. Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, vừa là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Rừng ở Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường sinh thái, là “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô với mật độ dân cư rất lớn; là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú. Mặt khác, rừng ở Hà Nội có giá trị đặc biệt về cảnh quan gắn liền với các khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, du lịch lịch sử văn hóa, các lễ hội lớn. Do đó, rừng của Hà Nội rất có ý nghĩa và quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển bền vững.

2. Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Thủ đô trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên rừng hiện có, phát triển thêm về các vùng mới cho phù hợp hài hòa với phát triển đô thị và tăng dân cư; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa lâm nghiệp Thủ đô thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo chuỗi liên kết từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng và các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng; phát huy hiệu quả của lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và phát triển trồng cây lâm nghiệp tập trung, phân tán ngoài các địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để đảm bảo môi trường sinh thái tại các vùng đông dân cư không có diện tích rừng.

3. Thành phố Hà Nội có chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho phát triển lâm nghiệp Thủ đô theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp phù hợp với khả năng ngân sách của Thành phố trong từng thời kỳ; đặc biệt có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi Thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển lâm nghiệp của Thủ đô, trong đó ưu tiên phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn, trồng rừng tập trung bằng giống cây bản địa, cây có giá trị kinh tế nhiều mặt, các loại cây làm đẹp cảnh quan, môi trường, bảo vệ rừng kết hợp với du lịch sinh thái theo đúng quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP THỦ ĐÔ:

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng ngành lâm nghiệp Thủ đô thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích đất được qui hoạch cho lâm nghiệp, từng bước khai thác các tiềm năng lợi thế của rừng Hà Nội; đầu tư bảo vệ, phát triển, cải tạo rừng, làm giàu rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ và phát triển rừng của Hà Nội đồng thời phải gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người dân Thủ đô. Thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đảm bảo diện tích rừng có chủ thể quản lý. Thực hiện điều chỉnh phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương và đối với từng loại rừng để quản lý.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Về môi trường: Tạo ra môi trường sinh thái bền vững; bảo vệ “lá phổi xanh cho Thành phố”, góp phần vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính toàn quốc; xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, văn minh. Đảm bảo giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng hiện có; phát triển rừng sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của địa phương, phấn đấu để nâng tỷ lệ cây xanh từ 2-3m2/người hiện nay đến năm 2025 đạt từ 8-10m2/người và năm 2030 đạt 10-15m2/người. Đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định từ 5,67% đến 6,2%.

- Về kinh tế: Tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế đặc biệt từ kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồi núi và phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Phấn đấu nâng mức thu nhập 1ha đất lâm nghiệp giai đoạn hiện nay từ 10-15 triệu đồng/ha/năm lên khoảng 40-60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030. Trồng rừng tập trung: Bình quân 150 ha/năm. Chăm sóc rừng trồng: Khoảng 2.400 ha/năm. Khoanh nuôi tái sinh, diện tích: Khoảng 200 ha/năm.Trồng cây phân tán: Bình quân 300.000 cây/năm.

- Về xã hội và an ninh quốc phòng: Tạo công ăn việc làm hàng năm cho người dân địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của Thành phố.

3. Tầm nhìn những năm tiếp theo:

Những năm tiếp theo, ngành lâm nghiệp Thủ đô thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế Thủ đô. Phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng Thủ đô tạo môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU KẾ HOẠCH:

1. Mục đích.

- Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện có, tiếp tục khai thác bền vững tiềm năng lợi thế của rừng; tăng cường đầu tư, cải tạo, phát triển, làm giàu rừng, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái rừng trên địa bàn Thủ đô.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định trong định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, nhằm đảm bảo môi trường sinh thái đáng sống cho cư dân Thủ đô, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân làm nghề rừng; gắn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

- Đưa công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của Thủ đô thực hiện theo Công nghệ số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành.

2. Yêu cầu.

- Triển khai các nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp Thành phố Hà Nội trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bám sát các nội dung tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các Sở, ban, ngành Thành phố có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ được giao tại kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành khối lượng công việc theo quy định; khuyến khích xã hội hóa, đa dạng hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả và đề xuất tháo gỡ khó khăn, hoàn thành kế hoạch đề ra.

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:

1. Rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của Thành phố làm cơ sở tiến hành giao đất gắn với giao rừng và cắm mốc phân ranh giới 03 loại rừng.

- Thực hiện rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở điều chỉnh qui hoạch 03 loại rừng và tổ chức cắm mốc ranh giới 03 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng của thành phố.

[...]